Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi các điều kiện để cân nhắc giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất.
>>NHNN: Tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ ở TP HCM mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định qua lắng nghe các trao đổi của lãnh đạo các địa phương và các ý kiến doanh nghiệp, chúng ta thấy rõ kinh tế đang tăng trưởng chững lại.
Tăng trưởng chững lại cũng là do xuất khẩu, khi các nước khó khăn, lạm phát tăng cao nhu cầu giảm thì khó khăn của kinh tế có sự phục thuộc xuất khẩu như nước ta, sẽ chững lại. Mặc dù Chính phủ và các Bộ ngành đã có các giải pháp, nỗ lực nhưng việc cải thiện thị trường xuất khẩu cần có thời gian.
Về trụ cột đầu tư, theo Thống đốc FDI cả nước cũng có dấu hiệu giảm, đầu tư công còn khiêm tốn, tín dụng của hệ thống ngân hàng so với cùng kỳ năm trước chậm lại. Tính đến cuối tháng 4, tín dụng cả nước chỉ tăng 3, 4%, tín dụng Đông Nam Bộ tăng 2,45%. “Mổ xẻ phân tích tại sao tín dụng chậm lại, chúng ta thấy có nhiều yếu tố, từ nguyên nhân do sản xuất kinh doanh khó khăn, không có đầu ra, đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp do đó nhu cầu vay vốn giảm. Không có doanh nghiệp nào chưa có đơn hàng, chưa có đầu ra mà đi vay vốn ngân hàng. Do đó, đối với nhóm này, tháo gỡ khó khăn là tháo gỡ khó khăn đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, chứ không phải là vấn đề tín dụng.
Còn đối với doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn, đặc biệt là vốn lưu động ngắn hạn đảm bảo các giao dịch, mà có đủ điều kiện vay thì các NHTM sẽ cho vay. Riêng với nhóm doanh nghiệp không đủ điều kiện khách quan, chủ quan để vay vốn, NHNN cũng đã có nhiều kiến nghị, giải pháp từ các chính sách khác để hỗ trợ, từ các quỹ bảo lãnh, để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ…, tháo gỡ các vướng mắc.
Đối với tín dụng tiêu dùng, người dân không vay để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, mà chủ yếu vay mua nhà, ô tô, xe máy…
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, người dân chưa thúc đẩy tín dụng tiêu dùng vào bất động sản.
>>Ông Phan Văn Mãi: Mong muốn giảm lãi suất cho vay về 7-8%
>> NHNN: Huy động vùng Đông Nam Bộ chiếm 1/3, tín dụng chiếm 35% cả nước
Do đó Thống đốc NHNN mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ doanh nghiệp và người dân bởi đây là những chủ thể đi vay ngân hàng nhưng cũng gửi tiền vào ngân hàng.
Trước các ý kiến của Lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp, đặc biệt trong đó có các kiến nghị về lãi suất vay đang cao, cần hạ thấp để doanh nghiệp có thể tiếp cận và chấp nhận chi phí vốn vay làm ăn kinh doanh được, Thống đốc cho biết Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các nhà băng giảm thêm lãi suất. "Ngân hàng có tình hình tài chính tốt có thể giảm lãi suất, nhưng những nhà băng tài chính không tốt sẽ khó khăn hơn trong việc điều chỉnh".
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng bày tỏ vẫn tiếp tục theo dõi các điều kiện khách quan từ bên ngoài. Bà chia sẻ "trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản được cải thiện, chúng tôi sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, nếu điều kiện cho phép".
Tuy nhiên, Thống đốc nhấn mạnh giảm lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, mà có nhiều mục tiêu khác phải cân đối. Hay nói cách khác là ngành ngân hàng có những đặc thù so với các cơ quan khác. Đó là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN không chỉ là giải quyết một vấn đề, điều hành đạt nhiều mục tiêu đồng thời: Vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất… do đó NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Đồng thời, các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc thù, có những hoạt động rủi ro lan truyền nên phải hoạt động theo quy định của NHNN nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cho vay nhưng phải đảm bảo khi người dân rút tiền phải đảm bảo. Các ngân hàng cũng phải cấp tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống.
Cũng chia sẻ tại Hội nghị, Thống đốc nhấn mạnh tỷ giá và lãi suất là 2 vấn đề gắn liền nhau, nhưng ai cũng nhắc lãi suất, không ai nhắc đến khó khăn và nỗ lực hạ tỷ giá của năm vừa qua. "Năm 2022 dù Mỹ và các nước tăng nhanh và tăng mạnh lãi suất, chúng tôi vẫn cố chưa tăng lãi suất điều hành. Nhưng tới tháng 9 khi tỷ giá tăng rất cao, lúc đó Ngân hàng Nhà nước buộc phải thực hiện một chùm chính sách, gồm tăng lãi suất. Việt Nam có thể phát hành tiền đồng, nhưng không thể phát hành ngoại tệ. Bởi nếu để tiền đồng mất giá thì nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, thị trường ngoại hối không ổn định thì làm sao ổn định kinh tế vĩ mô.
Tháng 10 năm ngoái xảy ra sự cố người dân rút tiền tại SCB, ưu tiên lúc đó của chúng tôi lại là phải đảm bảo an toàn hệ thống, các ngân hàng phải phòng thủ để đảm bảo thanh khoản trong trường hợp xấu. Nhờ những ưu tiên phù hợp, tỷ giá từ tăng hơn 10% tại thời điểm cao điểm nhất đến cuối năm 2022 chỉ còn hơn 3,5%.
Bước sang năm 2023 khi tình hình ổn định, thanh khoản hệ thống được cải thiện, và tỷ giá tương đối ổn định. Mặc dù các nước vẫn tăng lãi suất nhưng tỷ giá đã giảm nhiệt, Việt Nam mới có điều kiện giảm lãi suất điều hành.
Chúng tôi rất muốn hạ lãi suất, nhưng hạ đến mức nào? Có một số ý kiến cho rằng hiện tại chúng ta có lạm phát thấp, doanh nghiệp khó khăn thì càng phải hạ lãi suất thấp hơn nữa. Nhưng chúng tôi điều hành cũng phải nhìn về phía trước. Mục tiêu lạm phát của chúng ta là 4,5%. Hiện nay lạm phát là gần 4%. Đó là vấn đề chúng tôi vẫn phải đang tiếp tục theo dõi", Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, Thống đốc cho biết hiện không cấm cho vay bất động sản, nhưng để đảm bảo an toàn hệ thống, vẫn phải ban hành các quy định như hệ số rủi ro, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn...
Thống đốc cho biết hiện các ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Đây cũng là một trong các lý do khiến một số nhà băng neo lãi suất cho vay dài hạn ở mức cao, để bù đắp rủi ro.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Hồng, ngoài vấn đề dòng tiền, tín dụng, cũng phải có sự phối hợp các giải pháp đồng bộ, chẳng hạn như vấn đề về pháp lý của các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, là sự linh hoạt của chính các TCTD. Chẳng hạn như với vay tín chấp hiện không ai cấm hoạt động này, mà phụ thuộc vào đánh giá của các TCTD...
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Huy động vùng Đông Nam Bộ chiếm 1/3, tín dụng chiếm 35% cả nước
15:03, 11/05/2023
Thông tư 03/2023/TT-NHNN: Có giải cứu được trái phiếu doanh nghiệp?
03:00, 06/05/2023
Kỳ vọng hiệu ứng rõ nét từ hai Thông tư của NHNN
11:10, 03/05/2023
Kỳ vọng NHNN có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành
05:00, 27/04/2023
NHNN giảm giá bán USD, tiền VND tiếp tục mạnh lên
05:00, 11/04/2023