Với 426/430 đại biểu có mặt tán thành, 2 đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…
Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên làm việc chiều 21/11, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, và một số quy định sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.
Đáng chú ý, tại Luật Dược (sửa đổi) lần này là quy định về kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử. Theo quy định của Luật, việc kinh doanh thuốc qua phương thức thương mại điện tử bị cấm với thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Cùng với đó, các đơn vị phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua. Các đơn vị cũng được yêu cầu đăng tải chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, thông tin về thuốc đã được phê duyệt.
Ngoài ra, cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của bộ trưởng Bộ Y tế.
Thay mặt Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử đã được quy định tại pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, đây chỉ là phương tiện để thực hiện giao dịch, hoạt động kinh doanh dược vẫn sẽ do cơ sở kinh doanh dược thực hiện. Vì vậy, cơ sở có thuốc bán trên sàn phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, tương tự như hình thức mua bán truyền thống.
“Pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử cũng quy định trách nhiệm của các bên trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Quy định như Dự Luật cũng phù hợp với xu hướng quản lý về thương mại điện tử trong kinh doanh thuốc ở một số nước trên thế giới”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ.
Được biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 gồm 3 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 Điều của 8 Chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.