Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp chiều 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Dữ liệu…
Theo đó, với 451/458 (chiếm 94,15%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, tại phiên họp chiều 30/11, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Dự án Luật Dự liệu.
Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội – Lê Tấn Tới cho biết, về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (Điều 18 Dự thảo Luật Chính phủ trình), qua nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Đối với một số nội dung về yêu cầu, hình thức, thời gian, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thuận lợi và tính khả thi của điều luật.
Về công khai dữ liệu (Điều 21 Dự thảo Luật Chính phủ trình), trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều này theo hướng quy định có tính nguyên tắc về công khai dữ liệu, hình thức công khai dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công bố dữ liệu được công khai, thời điểm công khai đối với từng loại dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về từng nội dung cụ thể.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25 Dự thảo Luật Chính phủ trình; nay là Điều 23 Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý), trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, rà soát và chỉnh lý tên Điều này thành “Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới” để bảo đảm tính bao quát và bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 23 Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật”; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung Điều này.
“Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành Luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong Dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới chia sẻ.
Đặc biệt, về sàn giao dịch dữ liệu (Điều 53 Dự thảo Luật Chính phủ trình; nay là Điều 42 Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý Điều 53 Dự thảo Luật chính phủ trình (nay là Điều 42 Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) theo hướng đổi tên Điều thành “Sàn dữ liệu”, chỉ quy định nội dung cơ bản về sàn dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền.
Qua đó, từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.