Nghiên cứu - Trao đổi

Luật Dữ liệu: Cần làm rõ hơn mô hình tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia

Gia Nguyễn 28/10/2024 04:30

Việc xây dựng Luật Dữ liệu được cho là rất cần thiết hiện nay, tuy nhiên, góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến đề xuất, cần làm rõ hơn mô hình tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia…

Trước yêu cầu cấp bách đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Dữ liệu. Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 67 Điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

du-thao-luat-du-lieu-24.7.1.1.1.jpg
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Dữ liệu, Dự thảo gồm 7 Chương, 67 Điều - Ảnh minh họa: ITN

Và một trong những quy định nhận được sự quan tâm, chú ý trong Dự thảo Luật này là việc xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Dù được đánh giá cao và nhận được sự nhất trí của nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi đưa ra lấy ý kiến, tuy nhiên, để đảm bảo khả thi, góp ý quy định này, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.

Góp ý quy định này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình kỳ vọng, nếu Trung tâm dữ liệu quốc gia được triển khai hoạt động sẽ thúc đẩy quá trình phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam, đảm bảo điều kiện để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế số thế giới.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ và việc xây dựng Trung tâm đang được triển khai thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ.

du-thao-luat-du-lieu-24.7.1.1.2.jpg
Góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến đề xuất, cần làm rõ hơn mô hình tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, Nghị quyết xác định rõ quan điểm xây dựng, vị trí, vai trò của Trung tâm, mục tiêu yêu cầu và các giải pháp để triển khai thực hiện việc xây dựng, phát triển Trung tâm theo từng giai đoạn. Trong khi, Dự thảo Luật Dữ liệu có một số điều quy định mang tính chất luật hóa các nội dung nghị quyết của Chính phủ.

Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định của Dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định khái quát một số nội dung mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển Trung tâm.

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ cấu, tổ chức, vị trí, vai trò của Trung tâm này do một đơn vị thuộc Bộ Công an hay là đơn vị thuộc Chính phủ thực hiện. Mặc khác, trong khi chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế, việc hình thành Trung tâm này có làm tăng biên chế, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ thêm”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm góp ý.

Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định khái quát một số nội dung mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển Trung tâm. Đồng thời, cần tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan quản lý dữ liệu, hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, an toàn.

Còn theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, trong Dự thảo Luật Căn cước có quy định về Trung tâm dữ liệu, hoạt động tổ chức theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, tại Điều 55 của Dự thảo Luật Dữ liệu đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu Quốc gia để phục vụ phát triển, quản lý thị trường dữ liệu. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ nội dung này, tránh sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh những vấn đề nêu, liên quan đến quy định này, một số ý kiến cũng bày tỏ quan tâm đến đảm bảo nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Điều 4 của Dự thảo luật.

Trong đó, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo luật giao quyền cho Trung tâm dữ liệu quốc gia rất lớn, vì vậy cần quy định cụ thể ở những cấp độ nào dữ liệu được phổ biến ra công chúng, dữ liệu nào phổ biến ở những cấp cơ quan an ninh, quốc phòng, những dữ liệu nào phổ biến ở cấp cơ quan Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, cũng cần quy định việc tiếp cận thông tin của các nhà khoa học, các nhà phân tích, các chuyên gia để tạo thuận lợi trong việc hỗ trợ, phân tích tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khác, để phục vụ công tác tham mưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Dữ liệu: Cần làm rõ hơn mô hình tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO