Thông tư 06 mới sửa đổi vẫn làm khó doanh nghiệp

KHÔI NGUYÊN 17/11/2023 00:20

Các chuyên gia cho rằng, một số quy định mới được sửa đổi tại Thông tư 06 vẫn mang tính hành chính, bất hợp lý và hạn chế quyền góp vốn của các tổ chức, cá nhân, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp…

Theo đó, Thông tư 06/2023 (Thông tư 06) đã sửa đổi khoản 2 điều 22 yêu cầu các ngân hàng: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích".

Đồng thời, Thông tư 06 bổ sung khoản 5 điều 26 khi thực hiện cho vay, ngân hàng có trách nhiệm: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

>>HoREA đề xuất tiếp tục sửa đổi “bất cập” tại Thông tư 06/2023

hihihi

 Quy định "phong tỏa" số tiền vay đề cập tại Thông tư 06 vênh với quy định của bộ luật Dân sự và luật Kinh doanh BĐS. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những quy định trên mang tính hành chính, bất hợp lý và hạn chế quyền góp vốn của các tổ chức, cá nhân. Bởi theo quy định hiện tại, bên nhận tiền góp vốn hoặc hợp tác đầu tư được quyền chủ động sử dụng dòng tiền để thực hiện dự án, có trách nhiệm báo cáo cập nhật cho bên góp vốn. Tuy nhiên, với quy định bổ sung trong Thông tư 06, các ngân hàng không chỉ kiểm soát, giám sát hoạt động của bên đi vay mà yêu cầu kiểm soát, giám sát cả hoạt động và dòng vốn của cả bên nhận góp vốn.

Doanh nghiệp không phải là bên đi vay trực tiếp mà vẫn phải chịu kiểm soát của ngân hàng, phải nộp các báo cáo cho các ngân hàng là vô lý. Tương tự, quy định phong tỏa số tiền vay sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư phải làm thêm bảo lãnh thanh toán của ngân hàng hoặc thế chấp bổ sung tài sản đảm bảo khác, tăng chi phí của doanh nghiệp …

Phân tích cụ thể hơn về những quy định này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) nhận định, quy định "phong tỏa" số tiền vay đề cập tại Thông tư 06 là vênh với quy định của Bộ luật dân sự và Luật Kinh doanh BĐS. Dẫn chứng trong lĩnh vực BĐS, khách hàng mua nhà thực hiện đặt cọc với chủ đầu tư là chuyện phổ biến thời gian qua, trong trường hợp bên nào không thực hiện thì phải bồi thường cho bên kia theo thỏa thuận. Ở đây, khách hàng và chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Nhưng theo quy định tại Thông tư 06, khách hàng vay tiền để góp vốn mà ngân hàng phải phong tỏa nguồn tiền này thì quy định này hoàn toàn chỉ có lợi cho ngân hàng vì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng, trên bảng cân đối của ngân hàng. Trong khi đó người nhận tiền thanh toán, ở đây là chủ đầu tư, lại không được sử dụng số tiền này.

“Theo quy định mới, các khoản vay để thực hiện quyền hợp pháp trên sẽ bị phong tỏa, chủ đầu tư không được sử dụng nguồn tiền này là điều vô lý. Ngoài ra, luật Kinh doanh BĐS hiện hành cũng như dự thảo sửa đổi cũng không đề cập đến việc phong tỏa tiền của khách hàng vay góp vốn với chủ đầu tư dự án BĐS. Nếu quy định phong tỏa tiền vay cho hoạt động thanh toán vì sợ bên nhận thanh toán sử dụng sai mục đích, thiếu trách nhiệm hay lừa đảo thì không hợp lý. Việc sử dụng tiền có hiệu quả là trách nhiệm của bên nhận vốn góp, hay chủ đầu tư”, ông Châu nói.

>>Ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06/2023

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm & Chính cũng cho rằng, các ngân hàng đã có nhiều quy định trong hoạt động cho vay để kiểm soát rủi ro. Chẳng hạn như ngân hàng cho vay để thực hiện dự án kinh doanh BĐS bắt buộc áp dụng hệ số rủi ro tín dụng lên 200%. Từ đó các ngân hàng cũng dè dặt cho vay với lĩnh vực này khi phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Đó là chưa kể quy định, điều kiện cho vay vẫn khá chặt chẽ. Do đó trong bối cảnh hiện nay khi thị trường đi xuống, kinh tế tăng trưởng chậm, Chính phủ đang cố gắng có nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp , hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì càng không nên đưa thêm những quy định mới.

“Ngân hàng Nhà nước nên nhanh chóng xem xét để sửa đổi các quy định nêu trên, phù hợp với tinh thần và nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, luật sư Bùi Quang Nghiêm kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • HoREA đề xuất tiếp tục sửa đổi “bất cập” tại Thông tư 06/2023

    HoREA đề xuất tiếp tục sửa đổi “bất cập” tại Thông tư 06/2023

    03:00, 25/08/2023

  • Ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06/2023

    Ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06/2023

    13:28, 24/08/2023

  • Ngân hàng Nhà nước ngưng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06/2023

    Ngân hàng Nhà nước ngưng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06/2023

    05:00, 24/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thông tư 06 mới sửa đổi vẫn làm khó doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO