Mặc dù những quy định xử lý vi phạm trong quản lý hoạt động thu phí BOT tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT vừa ban hành có giá trị răn đe cao, nhưng còn nhiều lo ngại về tính khả thi khi thực hiện...
Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT được ban hành ngày 22/7/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020 về việc quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến các quy định về việc xử phạt doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư nếu xảy ra vi phạm.
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu nhìn vào các tồn tại trên thực tế trong thời gian qua, những quy định xử lý vi phạm tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT vừa ban hành, có giá trị răn đe cao trong quản lý hoạt động thu phí, khi đưa vào nhiều hình phạt nghiêm khắc đối với doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư nếu xảy ra các vi phạm, tuy nhiên, để có thể đưa được những quy định này vào áp dụng lại là một chuyện không hề dễ.
Cụ thể, tại Điều 9 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT quy định một số trường hợp điển hình của doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện vận hành BOT như:
Vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ, để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục hai lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu phí được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong nhưng không ít hơn một ngày.
Hay, khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ bị trục trặc, hư hỏng không được khắc phục kịp thời. Thời gian tạm dừng thu phí được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong sự cố và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại…
Mặc dù được đánh giá cao về mặt nghiêm khắc, tạo tính răn đe nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, đặc biệt là những bất cập đang tồn tại trong hoạt động của các dự án BOT hiện nay, dư luận vô cùng quan ngại về tính khả thi.
Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, các bất cập liên quan đến chất lượng công trình, công tác quản lý thu phí tại các dự án BOT, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư dự án với người sử dụng dịch vụ đường bộ đang khiến dư luận vô cùng bức xúc, liệu các quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT có vá được những “lỗ hổng” đang tồn tại?
Phân tích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt chia sẻ: Muốn xác định tính khả thi của một chính sách, một quy định mới cần phải có thời gian kiểm chứng, nhiều quy định trong Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT nhìn vào có thể thấy rất chi tiết, cụ thể, thế nhưng khi đi vào thực hiện lại có thể dẫn đến tình trạng thiếu tính khả thi.
Theo Luật sư Luân, hầu hết các quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT đều xoáy sâu vào việc giải quyết những bất cập, thực trạng đang tồn tại ở các dự án BOT bấy lâu nay một cách nghiêm khắc, trong khi đó, bản thân Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) lại có phần ưu ái với hoạt động tại các dự án này, khi tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, đề xuất xin giảm phí BOT thì Bộ lại đề xuất tăng phí để hỗ trợ các dự án BOT… Vậy nên, nếu không có sự giám sát của một cơ quan khác, liệu các quy định được đề ra có khả thi?
Cũng liên quan đến tính khả thi của các quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT, thông tin trên báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: Việc Bộ GTVT “nhắm” trực tiếp vào “hầu bao” của các doanh nghiệp BOT, thông qua chế tài buộc dừng thu phí hoặc giảm trừ thời gian thu phí, đối với những sai phạm của doanh nghiệp, là rất cao tay, tuy nhiên, tính khả thi không cao.
Để khách quan, minh bạch, đánh giá đúng tính khả thi của Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT, PGS.TS Ngô Trí Long cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT.
Có thể bạn quan tâm