Những đơn vị bán lẻ hoặc các thương hiệu thời trang rõ ràng là những bộ phận thích thú hơn cả với những công nghệ kiểu này.
Các hãng bán quần áo tin rằng việc cho khách hàng thử đồ online bằng công nghệ thực tế ảo sẽ giảm bớt tỷ lệ hoàn đơn. Tuy nhiên các ‘thượng đế’ dường như vẫn chưa mặn mà với công nghệ này.
Thử đồ trước đây chỉ là “đặc quyền” khi mua hàng trực tiếp. Thế nhưng khi công nghệ ngày càng phát triển, con người đã thiết kế ra những ứng dụng giúp người mua thử đồ online bằng công nghệ thực tế ảo.
Những đơn vị bán lẻ hoặc các thương hiệu thời trang rõ ràng là những bộ phận thích thú hơn cả với những công nghệ kiểu này. Bởi hiện nay việc thử đồ là rào cản chính của người mua khi mua sắm online - xu hướng trở nên cực thịnh hành vì dịch hiện nay.
Không nằm ngoài cuộc chơi, ông lớn ngành bán lẻ Hoa Kỳ Walmart thông báo kế hoạch mua lại công ty công nghệ phòng thử đồ ảo Zeekit (Israel), tuy nhiên không tiết lộ con số chính xác của thương vụ này.
Trước đây Zeekit đã từng hợp tác với những thương hiệu như Macy’s, Adidas hoặc Modcloth. Trên ứng dụng Zeekit, người dùng sẽ đăng tải một tấm ảnh toàn thân, sau đó thử ‘áp’ các món đồ của các thương hiệu vào tấm ảnh, và quyết định mua sắm thông qua luôn ứng dụng này.
Ngoài ra, Zeekit còn hợp tác với thương hiệu ASOS để tiến hành chụp các bức ảnh thời trang (dĩ nhiên cũng là mặc đồ ảo) trong mùa dịch, giúp công ty này kết nối với nhiều người mẫu, để họ “mặc” đồ và quảng bá sản phẩm trên website.
Khi đến với Walmart, ứng dụng của Zeekit cho phép người mua ướm thử các món đồ của các thương hiệu nội địa cũng như sản phẩm riêng của Walmart. Ngoài ra họ còn tích hợp một plugin mạng xã hội để người dùng chia sẻ hình ảnh và hỏi ý kiến bạn bè xem món đồ có thích hợp hay không.
Với Walmart, những phòng thay đồ online như vậy sẽ giải quyết được bài toán gây đau đầu từ xưa đến giờ khi chuyển từ mua đồ trực tiếp sang mua đồ online. Đó là việc thử đồ. Khi khách hàng đưa ra được quyết định chính xác hơn, tỷ lệ hoàn đơn sẽ giảm đi. Hoàn đơn luôn là nỗi ám ảnh của việc mua bán online. Theo thống kê năm 2020, người dùng Hoa Kỳ trả lại gần 102 tỷ USD giá trị các món hàng online.
Về phía mình, Zeekit cũng cho biết công nghệ thử đồ giảm đến 36% tỷ lệ hoàn đơn.
Không chỉ Walmart với Zeekit, trước đó Snapchat cũng gây sốt cộng đồng khi tích hợp công nghệ thực tế ảo (qua các filter) để người dùng thử các món đồ theo ý thích. Thậm chí mỹ phẩm hoặc các đồ nội thất gia đình cũng có thể “thử” luôn bằng công nghệ này. Hồi tháng 3, Snap đã mua lại Fit Analytics, đối thủ của Zeekit, với giá 124 triệu USD. Đây cũng là một trong những chiến lược thể hiện tham vọng tiến vào ngành thương mại điện tử của Snap.
Những thương vụ như của Snap hoặc Walmart cho thấy các thương hiệu đang rất kỳ vọng vào công nghệ thử đồ ảo này. Tuy nhiên các thượng đế dường như không quá mặn mà. Theo một khảo sát của April Bizrates Insights, chỉ có 2% người Hoa Kỳ trưởng thành cho biết họ sử dụng dụng “thường xuyên” công nghệ này để shopping. Còn đến 44% cho biết họ không sử dụng, thậm chí không hứng thú.
Vậy nên để phục vụ lợi ích kinh doanh sau cùng, các nhà bán lẻ và các thương hiệu cần phải tìm ra giải pháp để các khách hàng tin tưởng, hoặc ít nhất là thấy hứng thú, với việc thử đồ ảo.
Có thể bạn quan tâm
“Phép màu” từ thực tế ảo tăng cường
11:03, 21/02/2021
Snapchat và bước tiến mới với thực tế ảo
05:08, 25/12/2020
Cửa hàng tiện lợi ở Nhật dùng công nghệ thực tế ảo để điều khiển robot xếp hàng lên kệ
16:19, 23/09/2020
Thâu tóm công ty khởi nghiệp VR Spaces, Apple sẽ sớm ra mắt kính thực tế ảo?
05:23, 27/08/2020