Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận thừa nhận, bất động sản du lịch tỉnh chưa thực sự “cất cánh” là có những cái khó riêng.
Trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệpmới đây, ông Hùng cho biết, kể từ sự kiện Nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, hàng trăm ngàn người dân khắp nơi đổ về Phan Thiết để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Từ đó tiềm năng du lịch của Bình Thuận đã được đánh thức và vươn lên đầy ấn tượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tốc độ phát triển không được như kỳ vọng ban đầu.
Ông Hùng cho rằng, Bình Thuận ngoài những mặt lợi rất cơ bản thì cũng có những cái khó riêng.
Trước hết là hệ thống giao thông đối ngoại của Bình Thuận là một trong những vấn đề cần phải quan tâm. Bình Thuận quyết tâm trong một tương lai không xa sẽ phải hình thành sân bay, sân bay ở đây không phải chỉ phục vụ cho khu vực lân cận mà mong muốn có sân bay để đón khách quốc tế và các du khách trên mọi miền tổ quốc. Nếu có sân bay sẽ rút ngắn được thời gian du khách tới Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng.
Nghe chi tiết phỏng vấn tại đây ===>hatangbinhthuan
Song song với sân bay tỉnh chú ý một phương tiện nữa là đường cao tốc. Hiện nay, trung ương đã có chủ trương và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo từ các bộ ban ngành. Trong tương lai không xa sẽ hình thành đường cao tốc Dầu Giây đến Nha Trang và tuyến đầu tiên là Dầu Giây đi Phan Thiết sẽ hình thành.
“Hiện nay đi từ TP.HCM ra Phan Thiết là mất khoảng bốn tiếng, nếu đi với mức độ bình thường nhưng nếu trên đường Dầu Giây - Phan Thiết có đường cao tốc rồi thì mọi người có thể đi từ TP.HCM ra Phan Thiết chỉ hai tiếng đồng hồ. Vì vậy du khách có thể đến Bình Thuận nghỉ dưỡng cuối tuần” – ông Hùng cho biết.
Cùng với đường giao thông đối ngoại thì hệ thống đường giao thông đối nội cũng được tỉnh ưu tiên triển khai. Hiện nay, Phan Thiết đi thẳng ra Mũi Né 27km tỉnh đang tiến hành làm song song cùng đường 706 hiện nay, đường 706 cũ nâng cấp lên từ một làn xe sau đó lên thành hai làn xe và bây giờ là bốn làn xe.
Về sân bay, ông Hùng cho biết Chính phủ đã thống nhất về mặt chủ trương và Bộ giao thông vận tải quy hoạch sân bay Bình Thuận là sân bay cấp 4E với đường băng dài 3050m, rộng 45m, các máy bay Boeing, các máy bay lớn có thể xuống được.
“Hiện nay sân bay Bình Thuận là một sân bay liên cửa. Phần quân sự là do bộ quốc phòng đầu tư còn phần dân sự là do một doanh nghiệp thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Và hiện nay thành phần kinh tế ngoài nhà nước dòng vốn đã sẵn sàng, chỉ đợi đường băng do Bộ quốc phòng giao đất, tiến hành triển khai” – ông Hùng tiết lộ.
Nghe chi tiết phỏng vấn tại đây ===>phongvan
Cái khó tiếp theo được ông Hùng chỉ ra là Bình Thuận hiện có mỏ khai thác quặng titan rất lớn. Theo quy định của Luật Khoáng sản nơi nào dưới đó có khoáng sản thì trên đó không có nhà cửa công trình kiến trúc. Và tương tự như thế hiện nay đang có ít nhất 40 dự án bị đóng băng.
“Mới đây, chúng tôi có văn bản tha thiết đề nghị Chính phủ hãy đưa mỏ titan vào dự trữ và để cho các thế hệ mai sau. Bình Thuận sẽ giữ gìn việc đó sau 50 năm, 70 năm hoặc 100 năm nữa lúc đó ta có những điều kiện về công nghệ khai thác, chế biến. Mà sau 50 năm nữa thì các dự án trên bền mặt có thể triển khai được do một vòng đời của dự án chỉ khoảng năm mươi năm. Nếu đề xuất được thông qua sẽ tránh lãng phí đất đai, và có thêm quỹ đất cho các công trình lớn” – ông Hùng đề xuất.
Kỳ III: Cơ chế "lọc" nhà đầu tư