Năm 2024, vốn FDI tiếp tục "đổ" về Bà Rịa - Vũng Tàu tăng hơn 2 lần cho thấy sự tin tưởng, kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với địa phương này.
Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, Tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị triển khai quy hoạch tỉnh, xúc tiến đầu tư. Sau hội nghị này đã tạo ra động lực rất lớn cho tỉnh trong thu hút đầu tư.
Năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ thu hút khoảng 2 tỷ USD, năm 2025 là gần 1,5 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 517 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 34,8 tỷ USD.
Ông Thọ cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đề ra, nên kinh tế - xã hội ước thực hiện cả năm 2024 ghi nhận nhiều đột phá. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và vượt mức kế hoạch đề ra cho cả năm. Đây là cơ sở để tỉnh tự tin vào sự phát triển bền vững trong tương lai. Theo đó, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 0,7%. Riêng GRDP trừ dầu thô và khí đốt tăng 10,52%, đây là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm gần đây.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, đứng trong nhóm dẫn đầu về tổng giá trị đầu tư, mà còn có tỷ suất đầu tư dự án cao nhất trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước. Tỉnh cũng còn nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, với hơn 1.000ha đất phát triển sau cảng tại khu vực Cái Mép Hạ. Dự kiến đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 24 KCN với tổng diện tích 16.052ha. Đến nay, tỉnh đã thu hút gần 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn lên tới 50 tỷ USD, trong đó hơn 490 dự án FDI với tổng vốn khoảng 34 tỷ USD.
Tại các khu công nghiệp có 606 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích đất thuê là 3.651 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 63,04% trên tổng số 14 khu công nghiệp được chấp thuận đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sở hữu lực lượng lao động trẻ, năng suất lao động cao gấp 2,8 lần mức trung bình cả nước. Cho thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, vốn đầu tư trong nước cũng đạt 168,3% kế hoạch, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp nội địa vào tiềm năng phát triển của tỉnh.
Nhiều dự án tỷ USD đã có mặt, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với hệ thống đầu tư quốc tế của nhiều tập đoàn kinh tế thế giới như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc)…
Toàn tỉnh hiện có 07/11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 31 dự án thứ cấp với tổng số vốn đăng kí là 4.969 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê là 95,98/161 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 59,32% trên tổng diện tích đã đi vào hoạt động. Tổng số lao động trong cụm công nghiệp đang hoạt động là 8.198 lao động.
Hoạt động du lịch cũng tăng trưởng khá tốt. Năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,12%, dịch vụ lữ hành tăng 13,71%; thu hút tổng cộng 16,12 triệu lượt khách, tăng 13,11%. Hiện toàn tỉnh có 1.360 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 70 khách sạn đã được xếp loại từ 1 - 5 sao. Toàn tỉnh có 132 dự án du lịch, với tổng diện tích 2.966 ha, hiện đã có 51 dự án đang hoạt động, 36 dự án đang xây dựng và 45 dự án đang triển khai thủ tục.
Để cải thiện hiệu quả quản lý, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ông Thọ cho hay.
Giao thông mở đường thu hút đầu tư
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là nâng cấp cụm cảng, giúp đón được các tàu lớn. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,09%, vượt mức kế hoạch đề ra là 4%. Các dự án giao thông chiến lược như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cầu Cái Mép; cầu Phước An, đường kết nối ven biển, đường kết nối với hệ thống cảng biển… đang được đẩy nhanh tiến độ, tạo tiền đề cho sự kết nối liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện.
Lợi thế của tỉnh là trung tâm cảng biển chính của khu vực Đông Nam Bộ, là nơi có cảng nước sâu đảm bảo các tàu container 200.000 tấn có thể cập cảng. Đồng thời, nằm trong tuyến hàng hải thế giới với tuyến hàng hải có thể đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ.
Tỉnh cũng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tiếp cận vốn tín dụng, cấp phép lao động…. Tổ công tác đặc biệt 997 do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng định kỳ họp vào thứ 5 hàng tuần, đến nay đã giải quyết gần 50 khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án trọng điểm, xử lý các dự án hiện đang bị chậm triển khai. hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và thúc đẩy thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư đối với các dự án đang kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư
Bà Lâm Thị Phương Trang, Giám đốc đầu tư Công ty CP đầu tư xây dựng dầu khí IDICO (IDICO - CONAC) chủ đầu tư KCN Mỹ Xuân B1-CONAC đánh giá, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư FDI như tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào; nguồn điện ổn định và dịch vụ hậu cần logistics phát triển. Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều cơ hội để trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là nơi cung cấp nguyên vật liệu đầu vào.
KCN Mỹ Xuân B1-CONAC với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và hướng đến KCN xanh, những năm gần đây, IDICO-CONAC chỉ thu hút các dự án thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như các ngành linh kiện điện tử, chế tạo hàng cơ khí chính xác, sản xuất gậy golf,...
Môi trường đầu tư kinh doanh của Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm qua đã được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. “Tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo nữa, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục thành công trong việc thu hút dòng vốn ngoại, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai”, bà Lâm Thị Phương Trang chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư Khu công nghiệp đô thị và sân golf Châu Đức cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất trên cả nước. Sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư yên tâm và có nhiều động lực khi đầu tư vào tỉnh.
“Trong 17 năm qua, toàn bộ hoạt động triển khai đầu tư, kinh doanh dự án, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ từ Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương, nhân dân. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng chuẩn bị quỹ đất sạch để đón nhà đầu tư”, ông Tân nhận định.
Ông He Hongbing, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE chia sẻ lý do chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm đến đầu tư, đó là tỉnh có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, có hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện. Về phía chính quyền địa phương rất ủng hộ hoạt động kinh doanh và tích cực giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan để dự án tiến hành thuận lợi.
Điều đáng chú ý là với chính sách thu hút đầu tư nhất quán, có chọn lọc Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng thu hút được nhiều dự án có giá trị đầu tư cao, có công nghệ hiện đại và ít thâm dụng lao động. Điều này giúp cho nền kinh tế của tỉnh phát triển với trình độ cao hơn.
Tăng tốc về đích nhiệm kỳ
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch 5 năm đảm bảo tiến độ đề ra. Song song đó, tỉnh tập trung triển khai phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Để phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tập trung các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế quan trọng, các trụ cột phát triển, các hành lang kinh tế và các trục động lực phát triển. Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các đề án được giao như: Đề án phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thị xã Phú Mỹ; Đề án tiếp tục hiện đại hoá cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực châu Á; Đề án phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế;…
Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, thúc đẩy các dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉnh cũng sẽ tích cực phối hợp các địa phương, cùng các bên liên quan thúc đẩy triển khai, hoàn thiện các dự án giao thông kết nối vùng. Qua đó tạo động lực thu hút đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu.