Tài chính doanh nghiệp

Thu nhập khác của PVS đến từ đâu?

Đình Đại 06/02/2025 04:03

Nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến, lãi quý IV/2024 của PVS vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 mới công bố, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVS) ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 9.777 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của PVS đạt hơn 300 tỷ đồng, giảm gần 36% so với cùng kỳ.

hinhptsc.jpg
Lợi nhuận quý IV/2024 của PTSC vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024 - Ảnh: PTSC.

Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập khác tăng mạnh lên hơn 573 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng hơn 582% so với cùng kỳ năm trước, cùng với khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết cũng tăng gần 55% so với cùng kỳ, lên gần 215 tỷ đồng; Trong khi, các chi phí của doanh nghiệp như chi phí bán hàng và chi phí quản lý mặc dù có tăng, nhưng không tác động nhiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, kết thúc quý cuối năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành dịch vụ dầu khí này đạt gần 705 tỷ đồng, tăng gần 56% so với cùng kỳ, đồng thời vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024 (660 tỷ đồng).

Giải trình về kết quả lợi nhuận quý IV/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, bên cạnh phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết trong quý IV/2024 cao hơn, thu nhập khác phát sinh trong kỳ cùng lớn hơn do Tổng công ty thực hiện hoàn nhập dự phòng bảo hành của một số dự án đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành với khách hàng và hợp nhất thu nhập đối với khoản nợ phải trả của công ty con được nhà cung cấp giảm nợ.

Lũy kế năm 2024, PVS ghi nhận doanh thu đạt hơn 23.880 tỷ đồng, tăng hơn 23,2% so với năm 2023; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.412 tỷ đồng, tăng trưởng 33,2%. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành vượt 54% kế hoạch doanh thu và vượt gần 114% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024.

Trong Báo cáo ngành dầu khí mới đây, chứng khoán MBS cho rằng, giá dầu thô có thể tiếp tục đối mặt với những thách thức do nhu cầu dầu tăng từ Ấn Độ không đủ để bù đắp cho nhu cầu yếu từ Trung Quốc và nguồn cung tăng từ các quốc gia ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ.

MBS dự báo dựa trên kịch bản cơ sở là giá dầu thô Brent trung bình ở mức 70 USD/thùng trong năm 2025. Các xung đột địa chính trị có khả năng tiếp diễn, nhưng rủi ro gián đoạn thực sự trong nguồn cung vẫn ở mức hạn chế và sẽ không phải yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá dầu.

cppvs.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu PVS đang giao dịch với mức giá 33.600 đồng/cp, giảm gần 25% so với hồi giữa tháng 6/2024.

Đánh giá về triển vọng ngành dầu khí năm 2025, MBS cho biết, đối với nhóm thượng nguồn, các dự án trong nước sẽ mang lại khối lượng công việc lớn cho các nhà thầu EPCI, do giá dầu thô có khả năng duy trì cao hơn mức hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò khai thác. Các doanh nghiệp khoan có thể gặp khó khăn trong việc đạt tăng trưởng mạnh nếu không nhận giàn khoan mới, vì giá thuê giàn khoan có thể duy trì ở mức ổn định do dư cung.

Ở nhóm vận tải dầu khí, giá thuê tàu định hạn ở hầu hết các phân khúc dự kiến sẽ duy trì ổn định hoặc thậm chí giảm. Trong bối cảnh giá mua tàu chở dầu thô ở mức cao, các công ty vận tải dầu có thể tìm kiếm động lực tăng trưởng bằng cách mở rộng đội tàu thông qua các chiến lược linh hoạt hơn.

Đối với các doanh nghiệp phân phối khí trong nước, chuyển đổi sang LNG vẫn là trọng tâm trong năm 2025 và trung hạn do các nguồn khí nội địa đang suy giảm. Các nhà máy lọc dầu có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm khi công suất duy trì nhưng biên lợi nhuận lọc dầu (crack spread) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu yếu. Đối với các nhà phân phối xăng dầu, những thay đổi trong khung pháp lý và giá dầu ổn định hơn có thể là các yếu tố hỗ trợ cho lợi nhuận năm 2025.

Đánh giá về PVS, MBS cho biết, PVS đã được trao thầu toàn bộ các hợp đồng EPCI#1 và EPCI#2 thuộc dự án Lô B – Ô Môn, thay vì trao thầu hạn chế trước đó. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tăng doanh thu của mảng Cơ khí và Xây lắp (M&C).

Biên lợi nhuận gộp mảng M&C được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2025 nhờ: đóng góp từ các dự án dầu khí trong nước như Lô B – Ô Môn và Lạc Đà Vàng, lĩnh vực mà PVS có kinh nghiệm tốt, và hiệu quả hoạt động các dự án điện gió ngoài khơi cải thiện sau khi tích lũy kinh nghiệm từ các dự án trước đây. Biên lợi nhuận gộp dự kiến của mảng M&C trong năm 2025 là 2,2%, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với biên lợi nhuận gộp dự kiến năm 2024.

“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng của PVS trong giai đoạn FY25-26F sẽ tăng lần lượt 38,2% và 12,2%, nhờ vào tiến độ được đẩy nhanh của dự án Lô B và lượng công việc mới từ các hợp đồng EPCI trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Việc trì hoãn FID và các gói thầu hạn chế của dự án Lô B đã cản trở doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2024, nhưng khi các gói thầu được trao toàn bộ, hiệu ứng tích cực sẽ rõ ràng hơn trong năm sau (2025)”, chuyên gia của MBS nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu nhập khác của PVS đến từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO