Trong khi Ngân hàng nói không có tiền mới đổi cho người dân thì ở ngoài thị trường người dân có thể đổi bao nhiêu cũng được với điều kiện… mất phí. Vậy, dịch vụ đổi tiền mới tính phí có vi phạm pháp luật?
Khan hiếm tiền lẻ lì xì, đi chùa
Đầu tháng 1/2018, ông Phạm Bảo Lâm - Cục trưởng Cục phát hành-kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước-NHNN) cho biết: NHNN không in tiền lẻ mới dịp Tết này nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, NHNN đã yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt và đảm bảo an toàn, thông suốt cho hệ thống ATM trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Có thể bạn quan tâm |
Theo ông Lâm, hiện NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố; tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến dịp Tết.Về nguyên tắc,
NHNN đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ và mới). Cũng như mọi năm, dịp Tết Nguyên đán, NHNN vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Phía NHNN đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của các đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Trao đổi với báo chí về nhu cầu thiếu tiền lẻ mới trong dịp Tết Nguyên đán cận kề, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết: “NHNN chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong lưu thông đầy đủ, kịp thời chứ không thể đáp ứng được nhu cầu đổi tiền mới để lì xì tết của người dân, vì quá nhiều. Văn hóa tiền mới lì xì dịp tết lấy hên hay đi cúng chùa đã bị đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, tạo điều kiện cho nhiều kẻ trục lợi”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, qua theo dõi tình hình trên địa bàn, cho đến thời điểm hiện nay chưa có NH nào khất hay hoãn chi trả tiền mặt, lùi thời gian chi trả với lý do không đủ tiền mặt. NHNN chi nhánh TP.HCM không thiếu tiền mặt cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa dịp tết cũng như nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cá nhân dịp tết, kể cả chi ngân sách, an sinh xã hội, thực hiện các công trình dự án...
Riêng đối với tiền mới, ông Hoàng cho biết, do số lượng ít nên NHNN phân bổ cho các NH thương mại, Kho bạc Nhà nước căn cứ vào các tiêu chí rõ ràng và công khai minh bạch, không có sự phân biệt đối xử với các đơn vị. Chẳng hạn như căn cứ về quy mô mạng lưới, hoạt động tổng tài sản, số dư tiền gửi, cho vay, số lượng khách hàng... từ đó phân bổ theo tỷ lệ tùy vào tình hình số lượng tiền mới đang có.
Đối với tiền mệnh giá nhỏ được NHNN chi nhiều cho các NH có khách hàng là trung tâm mua sắm, siêu thị... có quy mô hoạt động bán lẻ lớn để các đơn vị này đảm bảo đủ tiền, không để tình trạng thiếu tiền mệnh giá nhỏ trả lại lại cho khách hàng.
“NHNN không phải ngưng in tiền mệnh giá nhỏ mà ngưng, hạn chế đưa ra lưu thông dịp tết để ngăn ngừa tình trạng phản cảm như dịch vụ đổi tiền mới có phí đi cúng chùa. Theo tôi được biết, các NH thương mại chi tiền mới cho những khách hàng tiền gửi, tiền vay là chính, chứ nhiều khi cán bộ công nhân viên của NH cũng không có tiền mới. NHNN cũng đã có văn bản chấn chỉnh các NH thương mại tránh tình trạng người dân than phiền không có tiền mới, hay chi không công bằng”, ông Minh giải thích thêm.
Nhu cầu đổi tiền lẻ mới tăng cao
Trong khi Ngân hàng nói không có tiền mới (tiền phục vụ lì xì, đi lễ) đổi cho người dân thì ở ngoài thị trường người dân có thể đổi bao nhiêu cũng được với điều kiện… mất phí.
Theo khảo sát, tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng hay 50.000 đồng đang được hỏi đổi nhiều nhất. Sau đó mới đến loại tiền để đi lễ chùa đầu năm như 200 đồng, 500 đồng và 1.000 - 2.000 đồng.
Còn với mệnh giá cao như 100.000 – 200.000 đồng thường có sẵn nên không mất chi phí, có thể đổi ngang dễ dàng. Tuy nhiên, người nào thích tiền mới, cùng số seri thì phải nhờ người quen mới có.
Theo mặt bằng chung, tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng,... có phí đổi từ 5%-7% tùy tổng số tiền đổi, còn những tờ tiền có mệnh giá dưới 5.000 đồng có mức phí đổi cao hơn nhiều. Trong đó, những tờ tiền 500 đồng được rất nhiều người quan tâm hỏi đổi, mức phí để đổi tờ tiền mệnh giá này cũng rất cao, hiện phổ biến vào khoảng 70-100% và có thể cao hơn nữa trong thời gian tới. Tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng có mức phí 20-30% tổng giá trị số tiền đổi. Tiền mệnh giá nhỏ được người dân đổi để phục vụ đi lễ đầu năm.
Hoạt động đối tiền lẻ không chỉ diễn ra sôi nổi ở những khu vực cố định quen thuộc từ bao năm nay như phố Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng,... mà trên các trang web trực tuyến, mạng xã hội cũng hấp dẫn không kém. Các chủ đổi tiền lẻ trên mạng hồ hởi tư vấn, trả giá nhiệt tình và sẵn sàng "ship" tiền đến tận nơi cho khách đổi.
Nói về dịch vụ thu phí đổi tiền mới ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết hoạt động này là vi phạm pháp luật, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường… kịp thời phát hiện và xử lý, kể cả NH chi tiền mới mà thu phí cũng vi phạm pháp luật.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tuyệt đối không găm giữ tiền mới để trục lợi. Đồng thời các giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc đổi, gom và chuyển tiền mới mệnh giá nhỏ từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc các tỉnh phía nam ra phía bắc phục vụ nhu cầu lễ hội, đền chùa dịp tết.
NHNN cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với chi cục quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng. Đồng thời phải duy trì dịch vụ ngoại hối thu đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài trong những ngày nghỉ tết.
Phó Thống đốc cho biết thêm đã quán triệt trong toàn ngành về việc chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm, lợi dụng vị trí công tác để gây phiền hà, trục lợi; xử lý kỷ luật ngay cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí trục lợi.
Theo Chỉ thị số 48/CT-TTg mới đây, Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép, có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng. |