Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
TMĐT phát triển mạnh mẽ cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý trong việc chống thất thu thuế. Nhiều ý kiến cho rằng, hành trình này vẫn là một chặng đường gian nan…
>>Để thương mại điện tử phát triển lành mạnh
Vì sao vẫn thất thu?
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Nhưng năm 2022, cơ quan thuế mới chỉ thu được hơn 600 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), cung cấp dịch vụ số của Việt Nam.
Cùng với đó, từ ngày 21/3/2022 (thời điểm các doanh nghiệp xuyên biên giới hiện diện tại Việt Nam kê khai, nộp thuế) đến nay, cơ quan thuế mới chỉ thu được hơn 3.444 tỷ đồng của 42 nhà cung cấp nước ngoài khai và nộp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.
Doanh thu các doanh nghiệp xuyên biên giới cũng lên đến hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng hiện tại, Nhà nước mới thu được một số ít thuế nhà thầu do doanh nghiệp Việt Nam kê khai và nộp, còn các doanh nghiệp xuyên biên giới chưa thu được các loại thuế có liên quan do họ chưa chấp nhận việc đặt văn phòng, pháp nhân tại Việt Nam. Theo quy định hiện tại, thuế suất thuế kinh doanh TMĐT với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5-10%. Như vậy, hiện Nhà nước đang thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, TMĐT phát triển nhanh, quản lý, thu thuế kinh doanh xuyên biên giới đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, khó khăn thứ nhất là xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Cơ quan này cho rằng, rất khó phân biệt một số loại thu nhập, nhất là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh trong kinh tế số.
Tiếp đến, việc quản lý thuế với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT gặp nhiều khó khăn do người bán hàng có thể duy trì nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, hoặc duy trì cùng lúc trên nhiều sàn và nền tảng mạng xã hội khác nhau.
>>Vì sao hàng giả qua thương mại điện tử vẫn tăng?
Nhà quản lý nói gì?
Xung quanh vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, Cơ quan quản lý cũng đang gặp phải một số vướng mắc về hồ sơ hải quan, chính sách quản lý chuyên ngành cũng như khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới…
Điển hình theo ông Tuấn là việc người mua hàng không nộp hoặc xuất trình được chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan để xác định trị giá hải quan theo đúng giá mua thực tế và tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (vì người mua thường thanh toán qua các thẻ ghi nợ, ví điện tử…).
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng cho biết, số lượng các lô hàng trị giá thấp tăng nhanh, nhưng cơ quan hải quan chưa có cơ sở phân loại hàng hóa theo nhóm, thông tin trước về hàng hóa để áp dụng giải pháp kỹ thuật hiện đại trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
"Thực tế trên hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT, website thương mại bán hàng và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống. Điều này gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại", ông Âu Anh Tuấn nói.
Từ góc độ cơ quan quản lý thị trường, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương), chia sẻ còn rất nhiều hiện tượng sản xuất, kinh doanh và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm bản quyền cũng như hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nền tảng TMĐT.
Môi trường TMĐT giúp người mua và người bán đến gần nhau hơn, không phụ thuộc khoảng cách địa lý, thời gian. Dễ dàng như vậy dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân có mưu đồ bất chính, tìm cách thu lợi từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nền tảng TMĐT thời gian qua tăng đột biến.
"Trong 2 năm qua, chúng tôi đã tiến hành xử lý gần 5.000 hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT cũng như trên các mạng xã hội, với mức xử phạt gần 50 tỉ đồng số hàng hóa. Trong đó, số hàng hóa tịch thu là gần 30 tỉ đồng và số hàng hóa buộc tiêu hủy là trên 20 tỉ đồng", ông Lê thông tin và cho rằng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tuy có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Ông Lê thông tin thêm, mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT đến năm 2025. Bộ Công thương với vai trò chủ trì cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan sẽ góp phần làm cho môi trường TMĐT trong sạch hơn, loại bỏ dần dần, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ cũng như hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nền tảng TMĐT.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao quản lý lĩnh vực thuế nói chung, trong đó có quản lý thuế trong TMĐT.
Khẳng định hiện nay "đúng là có tình trạng thất thu thuế trong TMĐT", lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số chỉ ra lý do đầu tiên là quy định pháp luật về thu thuế trong TMĐT vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện. Ngoài ra, "giao dịch TMĐT hiện nay chủ yếu là giao dịch COD (hình thức thanh toán khi nhận) dùng tiền mặt; chưa có cơ chế kịp thời chia sẻ dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý có liên quan" cũng là các lý do được bà Huyền đề cập tới trong khó khăn chống thất thu thuế trong TMĐT.
Với vai trò quản lý ngành trong TMĐT, theo bà Huyền, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất sát sao với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) trong tăng cường công tác quản lý thuế đối với TMĐT. Cụ thể ở đây là xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực TMĐT; có cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin thông qua thỏa thuận ký giữa hai bộ.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về TMĐT và cũng sẽ có trao đổi để tiếp tục trao đổi cơ sở dữ liệu, thông tin giữa hai bên trong công tác quản lý thuế trong TMĐT. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong quản lý thuế với TMĐT, cũng như phát huy vai trò của Cổng thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ TMĐT ở nước ngoài", bà Huyền nói.
Có thể bạn quan tâm