Thủ tục phá sản cản trở cải cách

GIA NGUYỄN 05/05/2021 17:00

Mặc dù cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến trong những năm qua, thế nhưng, trên thực tế, hai chỉ số tư pháp của Việt Nam là thực thi hợp đồng và phá sản doanh nghiệp, không có nhiều cải thiện.

Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, ghi nhận hai lĩnh vực được cho tác động đến mức độ tin cậy của hệ thống tư pháp có sự tăng điểm nhẹ trong năm 2020, đó là lĩnh vực thực thi hợp đồng (từ 57,7% năm 2019 lên 58,4% năm 2020) và phá sản doanh nghiệp (từ 40,5% năm 2019 lên 44,4% năm 2020).

Khó phá sản vì... thủ tục phá sản

Thế nhưng, trên thực tế việc cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề phá sản doanh nghiệp.

Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó không ít trường hợp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Số lượng các vụ phá sản tăng mạnh trong năm 2020, song, phản ứng của các cơ quan tư pháp còn nhiều hạn chế.

Ngày 18/12/2020, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 199/TANDTC-PC, thông báo kết quả giải đáp trực tuyến 30 vướng mắc trong giải quyết phá sản, công văn này được đăng tải công khai, tạo điều kiện tốt không chỉ cho các tòa án địa phương mà cả các luật sư, doanh nghiệp có thể tham khảo cho vụ việc của mình.

Động thái này được cho là biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác giải quyết các vụ phá sản, thế nhưng, theo các chuyên gia, vướng mắc thủ tục phá sản vẫn nằm ở Luật Phá sản năm 2014 và đặc biệt là giai đoạn thi hành án dân sự.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, Luật phá sản có tuổi đời khá lâu nhưng khái niệm phá sản hầu như chưa được quan tâm bởi hệ thống pháp luật đang coi chủ doanh nghiệp phá sản như tội nhân, dẫn đến tâm lý sợ phá sản.

Cũng theo Luật sư Truyền, có nhiều lý do dẫn đến việc không có nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức phá sản, ngay cả khi doanh nghiệp của họ đã kiệt quệ và không còn khả năng hồi phục. Bởi theo quy định của pháp luật hiện nay, chủ doanh nghiệp phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị Tòa án nhân dân ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

“Ngay cả khi doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản, trình tự và quy trình xử lý các hồ sơ xin phá sản hiện nay quá mất thời gian và rất khó thực hiện. Trong đó, đại đa số trường hợp quá trình này kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm, đặc biệt là khi liên quan đến nhiều chủ nợ”, Luật sư Truyền nói.

Báo động chậm thi hành án dân sự

Còn theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, tổng giá trị tài sản mà các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan Nhà nước thi hành án dân sự tăng rất nhanh, từ mức 176 nghìn tỷ đồng cả năm 2017 lên 274 nghìn tỷ đồng cả năm 2019 và 286 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2020.

“Tỷ lệ có khả năng thi hành dao động từ 45% đến 55% tuỳ từng thời điểm, tuy nhiên, tỷ lệ giá trị thi hành xong trên giá trị có điều kiện thi hành giảm liên tục qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này đạt 42,9%, đến 11 tháng đầu năm 2020 chỉ còn 31,77%. Nếu tính trên tổng giá trị thụ lý thì chỉ đạt 23,1% năm 2017 và 16,9% trong 11 tháng đầu năm 2020”, Luật sư Hiệp chia sẻ.

Cũng theo Luật sư Hiệp, cứ mỗi 100 đồng quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp đã được Tòa án hoặc Trọng tài thương mại công nhận, cần thi hành án dân sự, thì trong năm 2020, cơ quan này chỉ thu hồi được khoảng 17 đồng. Trong số 83 đồng còn lại, có khoảng 47 đồng không có khả năng thi hành (thường do người có nghĩa vụ không còn tài sản) và 36 đồng rơi vào trường hợp còn tài sản nhưng cơ quan thi hành án không thu hồi được.

Với các chỉ số tư pháp nêu trên, báo cáo của VCCI nhìn nhận, hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và phá sản doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong môi trường kinh doanh của mỗi quốc gia. Nếu hệ thống tư pháp làm việc tốt, nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả thì các hợp đồng được bảo đảm, môi trường kinh doanh trở nên an toàn, ít rủi ro. Ngược lại, nếu hệ thống tư pháp không bảo vệ được quyền hợp đồng thì sẽ khiến cho các bên luôn thường trực tâm lý sẵn sàng vi phạm hợp đồng bất kỳ lúc nào, môi trường kinh doanh từ đó trở nên rủi ro, bất định.

Theo đánh giá của CIEM, quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành thời gian qua diễn ra không đồng đều. Có chỉ số được cải thiện nhanh chóng như chỉ số tiếp cận điện năng nhưng cũng có nhiều chỉ số trong thời gian qua gần như không cải thiện như chỉ số về thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin... Đây là những nhiệm vụ trọng tâm nghị quyết 02 năm 2021 đề ra để thúc đẩy cải cách.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tục phá sản cản trở cải cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO