Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021.
Ngày 23/9 tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng… cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Dẫn dự báo của các cơ quan chức năng, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ nhưng lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong tiếp tục bị sụt giảm, và tình hình hạn mặn trong thời gian tới tại vùng ĐBSCL sẽ nặng nề hơn năm 2016, Thủ tướng đề nghị thảo luận “những biện pháp nào trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất tổn thất do hạn mặn, bảo đảm cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”.
Thủ tướng nhắc lại câu chuyện năm 2016, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới, cũng là năm hạn mặn lớn, nặng nề, nhiều cánh đồng khô cháy, dẫn đến đời sống nhân dân rất khó khăn, thiệt hại nông nghiệp vô cùng lớn. Tiếp theo, năm 2019, ĐBSCL cũng gặp tình trạng hạn mặn nặng nề.
Ngày 27/9/2019, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị có sự tham dự của Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp, các cơ quan liên quan dự, thảo luận các chủ trương, biện pháp chủ động ứng phó. Sau đó, tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì một hội nghị tại Bến Tre để xử lý những vấn đề rất cụ thể, tiếp tục triển khai các chủ trương đưa ra tại hội nghị ngày 27/9/2019.
Nhờ sự chủ động chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt nhận thức của người dân, với sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền 14 tỉnh ĐBSCL, cho nên, thiệt hại do hạn mặn năm 2019 đã giảm xuống (chỉ bằng 7-8% năm 2016). Nhiều tỉnh đã xử lý tốt vấn đề nước uống cho người dân.
Thủ tướng cho rằng, cuộc làm việc về chống hạn mặn được tổ chức sớm (hiện đang mùa mưa) vì có vấn đề cần bàn là tích trữ nước ngọt, nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, cũng như triển khai nhiều giải pháp trữ nước ngọt khác cho sinh hoạt, cho người dân và đặc biệt cho tưới tiêu, nhất là một số cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng… Thủ tướng nêu rõ “bằng mọi cách chúng ta phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra”.
Không để nước mặn quá sâu thì cần biện pháp nào về mặt thủy lợi. Nhắc đến bài học Israel phát triển nông nghiệp trong bối cảnh bị sa mạc hóa, Thủ tướng đặt vấn đề, “chúng ta cứ tưới mãi kiểu cũ hay tưới nhỏ giọt, những tiến bộ kỹ thuật nào bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp…”
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Thủ tướng đã khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – thủ phủ trái cây của cả nước.
Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình sản xuất của Cai Lậy, hiện có tới 10.000 ha trồng sầu riêng (cả nước có 22.000 ha sầu riêng), với hiệu quả cao.
Chia sẻ với bà con về khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng bày tỏ, “Đảng, Nhà nước thấu hiểu vấn đề này, chuyển lời thăm hỏi, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn”. Trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn.
Có thể bạn quan tâm