Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Donacoop (Đồng Nai) nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer.
Văn bản cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quán triệt thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế có nhiệm vụ quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vắc xin; tổ chức tiêm miễn phí cho người dân.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 của Hãng Pfizer.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty Donacoop đã đàm phán với Hãng dược Pfizer và cơ bản đã thống nhất về giá mua. Cụ thể, công ty Donacoop đặt mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer và bên bán cam kết giao làm 2 đợt, chậm nhất là giữa tháng 9/2021.
Do đó, tỉnh kiến nghị tạo điều kiện, cấp phép cho doanh nghiệp này nhập khẩu vắc xin trên về sân bay Tân Sơn Nhất và đưa về kho bảo quản. Đồng thời cho phép Công ty Donacoop bán cho các tỉnh, thành có đơn đặt hàng với công ty để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và những đối tượng ưu tiên tiêm chủng.
Tỉnh Đồng Nai cho rằng, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 và tình hình khan hiếm vắc xin, doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với các nhà sản xuất uy tín để có nguồn vắc xin phòng COVID-19 là rất có ý nghĩa…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin để có nguồn vắc xin sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin. Trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của Nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc xin này.
Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Đối với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng Cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc xin đó.
Đồng thời, khi vắc xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vắc xin vào Việt Nam và ủy quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng Cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc xin đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc xin về Việt Nam, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất. Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vắc xin của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.
Tính đến ngày 26/8, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 20.614 ca mắc COVID-19, riêng trong ngày 26/8, tỉnh ghi nhận 836 ca mắc mới. Cùng ngày, có 620 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện lên 8.749 người. Toàn tỉnh ghi nhận 150 ca tử vong. Tỉnh Đồng Nai cũng đã tiêm mũi 1 cho hơn 360.000 người và hơn 39.000 người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai nhận định, công tác xét nghiệm diện rộng bóc tách F0 tại một số địa phương còn chậm. Nguyên nhân do tổ chức song song với chiến dịch tiêm chủng nên nguồn nhân lực rất hạn chế.
Ngoài ra, một số phường xã chưa xây dựng kế hoạch lấy mẫu, chưa có danh sách đối tượng lấy mẫu cụ thể cho từng ngày. Do đó, việc lấy mẫu không đạt tiến độ; chưa có đội ngũ nhập liệu danh sách và thống kê báo cáo tại các địa phương, việc vận chuyển mẫu tới các phòng xét nghiệm còn chậm; công tác thống kê báo cáo số liệu giữa y tế và phường xã còn chưa chính xác…
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị, tiếp tục tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xét nghiệm diện rộng; bố trí cán bộ đánh máy danh sách xét nghiệm sớm nhất, huy động máy laptop của dân để hỗ trợ nhập liệu; bố trí cán bộ thống kê báo cáo… Đặc biệt lưu ý các địa phương gửi lịch chi tiết kế hoạch lấy mẫu vòng 2 để theo dõi tiến độ thực hiện và hạn chế ùn ứ mẫu xét nghiệm PCR trong vòng 3.
Có thể bạn quan tâm
Đồng Nai: Phát hiện hơn 1 tấn khẩu trang y tế tái chế
16:26, 23/08/2021
Đồng Nai: Loại các dự án treo ra khỏi quy hoạch
04:00, 23/08/2021
Cựu Giám đốc Sở KHCN Đồng Nai bị truy nã đã trốn sang Mỹ
14:41, 19/07/2021
Phó Thủ tướng chỉ đạo việc doanh nghiệp mua vắc xin COVID-19 theo diện đặc biệt
15:26, 07/06/2021