“Tại sao Chu Lai thành công, điều gì rút ra từ câu chuyện này, những bài học thực tiễn, những tư duy chiến lược”, Thủ tướng đặt vấn đề và khái quát 6 điểm chính rút ra từ trường hợp Chu Lai, Thaco.
Sáng 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công các dự án đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công các dự án đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Việc khởi công các dự án Khu công nghiệp nông - lâm nghiệp; Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Thaco Chu Lai mở rộng và dự án xây dựng bến cảng đón tàu 5 vạn tấn, Khu nhà ở công nhân và tái định cư đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của Khu Kinh tế mở Chu Lai, đặc biệt là của Thaco - doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai từ những ngày đầu thành lập.
Có thể bạn quan tâm
14:21, 24/03/2019
15:09, 25/01/2019
05:00, 31/12/2018
12:36, 16/12/2018
16:20, 14/12/2018
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho biết, gần 20 năm trước, ít ai có thể hình dung một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Thaco tại Chu Lai đạt gần 42 ngàn tỉ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 9 ngàn người (mà trên 80% trong số đó là con em xứ Quảng, gồm cả Quảng Ngãi và Quảng Nam), đóng góp gần 16 ngàn tỉ đồng thu ngân sách địa phương.
Từ hơn 15 năm, trước khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI ra đời, Thaco nói riêng, khu kinh tế mở Chu Lai nói chung đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn từ rất sớm vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đối với một trong những vùng đất mà người xứ Quảng hay gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở khúc ruột miền Trung.
“Tại sao Chu Lai thành công, điều gì cần rút ra từ câu chuyện này, kể cả những bài học thực tiễn, những tư duy chiến lược cần đúc rút”, Thủ tướng đặt vấn đề và khái quát 6 điểm chính rút ra từ trường hợp Chu Lai, Thaco.
Trước hết, tài nguyên quan trọng hàng đầu của Chu Lai nói riêng, cả nước nói chung, không nằm dưới lòng đất hay ngoài biển khơi, mà ở trong chính khối óc, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vượt lên chính mình của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đó là lí do từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, vận động, đánh thức tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dân tộc trong mỗi doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hai là, muốn thành công, địa phương cần vận động bằng được những con sếu đầu đàn, có khả năng đi trước dẫn đường. Con sếu đầu đàn phải là những nhà đầu tư giàu nghị lực, quyết tâm, sở hữu tiềm lực tài chính, có tinh thần dân tộc, có tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy quản trị và óc kinh doanh nhạy bén.
Ba là, vận động được nhà đầu tư chỉ là bước đi thành công đầu tiên trên một hành trình dài. Địa phương, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, coi uy tín doanh nghiệp là chính uy tín của mình, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính mình và mỗi thành quả mà doanh nghiệp đạt được cũng là thành quả của chính địa phương. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xây dựng cho mình tư tưởng tương tự.
Chìa khóa quan trọng để thực hiện được điều này là công thức 3 bên cùng thắng, tức win-win-win chứ không chỉ win-win: Giữa Đảng bộ, chính quyền - cộng đồng doanh nghiệp - nhân dân địa phương; đồng thời giữ vững nguyên tắc “3 trong 1” là kinh tế - xã hội và môi trường trong mọi lựa chọn chiến lược và mô hình phát triển.
Bốn là, phải thường xuyên nuôi dưỡng khát vọng ngày mai phải tươi sáng hơn hôm nay, mọi thành quả có được không phải để bất kỳ ai tự mãn mà phải xem đó là tiền đề, nền tảng cho những quyết tâm và thành quả to lớn như lời dặn của Bác Hồ năm xưa về mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng niềm tin, nuôi dưỡng khát vọng này sâu sắc hơn nữa trong từng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm là, phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận trong cùng một vấn đề, trong chính những việc mình đã và đang làm rất tốt.
Sáu là, trong mọi đột phá về chiến lược thì đột phá về phương diện thể chế - cơ chế - chính sách luôn đóng vai trò tiên quyết. Điều này không chỉ phụ thuộc vào những chuyển động từ cấp Trung ương, mà địa phương cũng là chất xúc tác chiến lược, đóng góp những ví dụ thực tiễn quan trọng cho những hoạch định chiến lược và chính sách cấp Trung ương.
“Nếu ai đó còn băn khoăn điều này thì hãy nhớ lại lịch sử đổi mới của Việt Nam, kể từ chính sách khoán hộ của Kim Ngọc cho đến giai đoạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của địa phương. Chính những chuyển động sâu sắc, hiệu lực và hiệu quả ở cấp địa phương (còn gọi là năng động, sáng tạo) đã góp phần quan trọng vào thành quả đổi mới chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng”, Thủ tướng dẫn chứng và nhấn mạnh: “Còn có những bài học quan trọng nữa nhưng hôm nay tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh những bài học này; để từ đó soi chiếu trở lại bối cảnh Chu Lai trong giai đoạn phát triển mới”.
“Đứng tại nơi đây, tôi đang hình dung rõ ràng về một Chu Lai không chỉ là khu sản xuất cơ khí ô tô nổi tiếng mà trong tương lai gần sẽ đóng góp quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới và một Chu Lai khởi nghiệp để trở thành trung tâm chế biến nông lâm sản chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn tới những thị trường tiêu dùng, có sức cầu lớn ở các nước ASEAN, Đông Bắc Á, G7 và G20…”
Theo Thủ tướng, sự chuyển mình của Chu Lai hôm nay vẫn chưa thực sự tương xứng với các giá trị tự nhiên về địa chiến lược của Chu Lai trên bản đồ khu vực và thế giới.
Chu Lai chứa đựng nhiều yếu tố then chốt để thiết lập những mô hình kinh doanh lớn và hiệu quả; chẳng hạn quy mô diện tích tự nhiên, khả năng thiết lập các hạ tầng kết nối chiến lược, hệ thống logistic, cảng nước sâu, liền kề với Dung Quất, Quảng Ngãi, quỹ đất dự trữ cho việc quy hoạch một sân bay lớn nhất nước và đặc biệt là một tiềm năng hấp dẫn du lịch độc đáo.
Thủ tướng lưu ý, không được tự mãn với những gì đang có, cần nhìn nhận và đánh thức những tiềm năng mới của chính vùng đất này.
Đến với Chu Lai là đến với quê hương truyền thống cách mạng, những người dân hào sảng, lực lượng lao động trẻ dồi dào, siêng năng, có khả năng tiếp thu kỹ thuật, có tình nghĩa sâu nặng với quê hương của rất nhiều anh hùng, nghĩa sĩ và liệt sĩ. Phần lớn lực lượng lao động của Thaco nói riêng, Chu Lai nói chung là con em địa phương, được đào tạo, trưởng thành chính tại nơi đây để đóng góp trở lại vào thành công của doanh nghiệp trên địa bàn.
Hướng tới mục tiêu hình thành cực tăng trưởng Chu Lai - Dung Quất và TP Đà Nẵng, Chu Lai - Quảng Nam, Dung Quất - Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng cần liên kết -cộng hưởng trong các hoạch định chính sách, nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là tinh thần đối thoại, liên kết và đề xuất lên Trung ương những ý tưởng đột phá về cơ chế, thể chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho toàn bộ vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung Tây Nguyên, trong đó có vùng lõi Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Dung Quất - Quảng Ngãi, Bình Định.
Theo Thủ tướng, bài học thực tiễn của Chu Lai cho thấy để xây dựng một khu vực động lực kinh tế thành công, chúng ta cần hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh để thu hút, giữ chân doanh nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư mới, khuyến khích những khát vọng kinh doanh vươn ra biển lớn. Thaco là một ví dụ tốt về tư duy hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Tới đây, Chu Lai hứa hẹn sẽ là nơi đất lành chim đậu của các doanh nghiệp ngành gỗ. Với các nền tảng về công nghiệp cơ khí, phụ trợ sẵn có; cùng với các yếu tố hạ tầng được quy hoạch tốt như chợ giao dịch gỗ nguyên liệu, vùng nguyên liệu sẵn có, hệ thống cảng logistic và cách tiếp cận toàn diện, đi vào chế biến sâu, tạo ra các loại sản phẩm từ cây lâm nghiệp (gồm cả thân, cành, rễ lá…), chắc chắn các doanh nghiệp đặt nhà máy tại nơi này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương.
“Có thể nói những gì chúng ta chứng kiến tại Chu Lai, sự tham gia của tập đoàn công nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp là sự đảo chiều dòng vốn có tính chiến lược, kết hợp các yếu tố nền tảng công nghiệp vào phục vụ phát triển nông nghiệp sẽ giúp tạo ra đột phá lớn về năng suất và giá trị sản xuất, từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực và căn bản nhằm nâng cao hơn nữa đời sống, sinh kế của người dân, góp phần hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng: Sự tham gia các nhà công nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần giải bài toán lớn về nguồn vốn cho nông nghiệp và nông thôn.
Ngoài vốn, xu hướng này sẽ đóng góp nền tảng quản trị sản xuất quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ, tư duy sản phẩm, năng lực tiếp cận thị trường và nguồn nhân lực được chuẩn hóa, từ đó có thể giải được bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong nhiều năm. Đây chính cũng là thực tiễn thành công trong nông nghiệp công nghệ cao, đi vào chế biến sâu của các tập đoàn hàng đầu châu Á.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ để các công ty nói chung và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải nói riêng đầu tư hoàn thành các dự án. Các bộ, ngành Trung ương phải tích cực phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư chiến lược cùng hợp tác, phát triển, thúc đẩy tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.