Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phải tạo xu thế, phong trào phát triển kinh tế tư nhân để mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Theo Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm.
Trong đó: Nhóm 1, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Nhóm 2, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Nhóm 3, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào nội dung, đặc biệt là các nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân như: hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; tiếp cận nguồn vốn; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; chính sách về thuế, phí, lệ phí; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Hội đồng Tư vấn chính sách tuy mới thành lập nhưng đã phát huy tốt kinh nghiệm phong phú, kiến thức sâu rộng, tinh thần làm việc cống hiến của các thành viên và đóng góp rất tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực tiễn, giá trị cao cho việc hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Đề án, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo Thủ tướng, các cơ chế, chính sách phải mang tính "đòn bẩy, điểm tựa", sát tình hình, phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo tâm lý hứng khởi, phát huy tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, tự hào trong vươn lên phát triển; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
"Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng nhấn mạnh. Để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.
Theo Thủ tướng, Dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần thông thoáng, giảm tối đa chi phí và xóa bỏ cơ chế xin - cho.
Thủ tướng yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, gửi lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, sau đó hoàn thiện trình Quốc hội trước ngày 12/5 để Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 18/5/2025.