Thừa Thiên Huế: Kiến tạo môi trường đầu tư tăng trưởng xanh

NGUYỄN HÀ - LÊ NAM thực hiện 18/11/2023 14:46

Đầu tư tăng trưởng xanh là định hướng xuyên suốt mà Thừa Thiên Huế hướng đến.

Trọng điểm phát triển kinh tế được quán triệt với ngành du lịch là mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đối với đầu tư công nghiệp, tỉnh luôn đưa ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường như đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải; trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, khu công nghiệp; nói không với các dự án lớn nhưng có ảnh hưởng đến môi trường. 

Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương xung quanh nội dung này.

- Năm 2022, Thừa Thiên Huế có chỉ số PCI xếp vị thứ thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Xin ông chia sẻ về những nỗ lực của tỉnh trong kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi, minh bạch và bền vững, thưa ông?

Năm 2021 - 2022 là 02 năm liền tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong TOP 10 các tỉnh/thành phố có chỉ số PCI hàng đầu cả nước: Vị trí TOP 6 toàn quốc năm 2022 là một thành quả quan trọng mà tỉnh đã nỗ lực và dày công phấn đấu. Việc duy trì cũng như tiếp tục cải thiện điểm số hiện tại đặt ra không ít thách thức cho tỉnh.

Năm nay, Thừa Thiên Huế được đánh giá cao ở các chỉ số như: Tính minh bạch, xếp thứ 02; Cạnh tranh bình đẳng và Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự xếp thứ 04,... Những chỉ số này phản ánh việc các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tài liệu về pháp lý, quy hoạch, số ngày chờ đợi để nhận được thông tin, tỷ lệ truy cập trên các website của tỉnh về các văn bản pháp luật, chính quyền tỉnh không phân biệt các doanh nghiệp, có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ nhà nước,...

Để có được kết quả trên, Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành, đối thoại, ban hành chính sách, giám sát,... đặc biệt là chuyển đổi số cho toàn hệ thống phục vụ, cụ thể:

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 06/07/2022 để phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được đối với từng chỉ số thành phần cụ thể và đề ra các giải pháp khắc phục những chỉ số thành phần chưa tốt, cũng như tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa thành quả của những chỉ số đã thực hiện hiệu quả trước đây nhằm tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng PCI tỉnh, phấn đấu vào “TOP 3” của cả nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ dự án Cầu vượt cửa biển Thuận An

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ dự án Cầu vượt cửa biển Thuận An

Tỉnh tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh cũng đã đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý (GISHue); khai thác Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). Cụ thể, đang vận hành 10 dịch vụ đô thị thông minh gồm: phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến... giám sát, điều hành, chỉ huy các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Thành lập 04 Tổ công tác do Lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành các thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư.

Tỉnh thường xuyên thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp,...

Đạt được thành quả trên là sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế từ cấp xã đến cấp tỉnh, từ cấp chuyên viên đến cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

Chủ tịch AmCham - ông John Rockhold và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ký kết thỏa thuận hợp tác

Chủ tịch AmCham - ông John Rockhold và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ký kết thỏa thuận hợp tác

- Bên cạnh đột phá về PCI thì “Tăng trưởng xanh” tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá rất tốt. Tỉnh định hướng ra sao về thu hút đầu tư hướng đến tăng trưởng xanh trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Tăng trưởng xanh là xu thế và mục tiêu tất yếu của Việt Nam. Xu thế này là lựa chọn khách quan khi thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Covid-19. Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế - Cố đô nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, nơi gìn giữ giá trị văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và nhân loại, việc phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt của tỉnh thời gian qua.

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Do đó, việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, là một hướng tiếp cận quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhằm phát triển một cách toàn diện, bền vững tại địa phương.

Tỉnh định hướng tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái; Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện môi trường; Phát triển "Du lịch xanh"... Đối với các vùng lõi đô thị hiện hữu và các đô thị mới, Tỉnh ưu tiên phát triển các mạng lưới giao thông công cộng, nhất là xe đạp; phát triển các không gian công cộng: đường dành cho người đi bộ, phố đi bộ, hệ thống quảng trường, công viên cây xanh, công viên chuyên đề nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một không gian xanh, an toàn cho người dân và du khách.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp; thu hút các dự án logistics và cảng biển, các ngành năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí; xúc tiến các dự án dịch vụ chơi giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hoá Huế kết hợp khu mua sắm; phát triển các khu du lịch trải nghiệm cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; cân đối cung cầu các dự án nhà ở để kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều tầng lớp nhân dân, người dân lao động…

Chúng tôi quyết tâm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vốn dĩ đã là thương hiệu xanh, thành phố “Văn hóa ASEAN”, thành phố “bền vững môi trường ASEAN”, thành phố “Du lịch sạch ASEAN”, tiếp tục phát triển trên nền tảng xanh, sinh thái, thân thiện môi trường, xứng đáng là “quê hương của hạnh phúc”.

- Nhân dịp này, ông muốn nhắn nhủ điều gì về môi trường đầu tư của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, thưa ông?

Sau 10 tháng năm 2023, trước những khó khăn chung của bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, địa phương cũng đạt được những kết quả tương đối khả quan: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 874,2 triệu USD; Thu ngân sách ước đạt 8.228 tỷ đồng, bằng 83% dự toán, bằng 63,3% so với chỉ tiêu phấn đấu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.915 tỷ đồng; có 581 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.763,1 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 7-7,5%.

Tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của một địa phương. Doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tỉnh. Đồng thời, các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của các cấp ủy đảng và chính quyền; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp,... Từ đó, quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách tỉnh.

Thay mặt hệ thống chính quyền tỉnh, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để hỗ trợ, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp trong đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới; đánh giá đúng thị trường, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư. Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Sáu kinh nghiệm giúp Thừa Thiên Huế đưa khởi nghiệp vào thực chất

    Sáu kinh nghiệm giúp Thừa Thiên Huế đưa khởi nghiệp vào thực chất

    00:19, 19/05/2023

  • Thừa Thiên Huế: Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc 2022

    Thừa Thiên Huế: Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc 2022

    16:50, 12/04/2023

  • Thừa Thiên Huế đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các tập đoàn lớn

    Thừa Thiên Huế đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các tập đoàn lớn

    11:53, 27/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thừa Thiên Huế: Kiến tạo môi trường đầu tư tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO