Tỉnh đã chuẩn bị tốt các thông tin, điều kiện sẵn sàng để kêu gọi vào các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; du lịch - dịch vụ, thương mại; công nghiệp công nghệ thông tin...
Các Hiệp định Thương mại tự do mới chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội trong thu hút vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động xúc tiến đầu tư của các địa phương. Trước tình hình này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đón đầu bằng các phương án xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đón đầu làn sóng đầu tư mới.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch COVID-19 đã khiến hoạt động đầu tư bị tác động, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự hơn khi ra các quyết định đầu tư mới và đối với các dự án đã và đang đầu tư thì nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư cầm chừng nhằm hạn chế thiệt hại. Do vậy, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ được tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng.
Theo đó, thông qua việc thường xuyên gặp mặt, đối thoại, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ và giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đang xúc tiến để sớm cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2020.
Để cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp vượt bão COVID-19, tỉnh sẽ chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện tại, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cũng cho biết, bên cạnh việc kêu gọi nhà đầu tư từ bên ngoài là việc chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện từ bên trong cũng được quan tâm hơn. Tỉnh đã chuẩn bị tốt các thông tin, điều kiện sẵn sàng để kêu gọi vào lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; du lịch - dịch vụ, thương mại; công nghiệp công nghệ thông tin...
Được biết, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đã chủ động hỗ trợ nhà đầu tư trong xử lý các công việc liên quan, làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư làm việc với các địa phương để đảm bảo tiến độ nghiên cứu đầu tư dự án.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã xây dựng thông tin gần 200 Dự án, trong đó có 16 Dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục cho các dự án phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến tháng 7/2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 Dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 4.598 tỷ đồng; 5 Dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với vốn đăng ký 18,5 triệu USD. Trong đó nhiều Dự án lớn như: Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP Công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt với mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Vì sao thu hút vốn FDI vào vùng ĐBSCL chuyển biến tích cực?
15:15, 01/09/2020
Việt Nam vượt các nước Đông Nam Á về sức hút vốn FDI
11:00, 29/06/2020
Thừa Thiên Huế: Phấn đấu lọt top tỉnh, thành có các chỉ số tốt nhất cả nước
07:01, 26/08/2020
Thừa Thiên Huế: Tạo giá trị cạnh tranh riêng biệt - hút đầu tư theo chiều sâu
10:24, 23/12/2019