Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh – Cần một “áp lực” đủ lớn

GIA NGUYỄN 24/01/2022 04:20

Theo chuyên gia, để Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, đi vào cuộc sống, cần một áp lực đủ lớn…

>>> Cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022 - Giải quyết dứt điểm sự khác biệt

Nhiều năm trở lại đây, cam kết tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn luôn được Chính phủ đưa ra, cùng với đó là các kế hoạch hành động chi tiết, giao cụ thể cho các bộ, ngành. Không nằm ngoại lệ, Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ–CP.

Trong đó, xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/01/2022. Thế nhưng, đến hạn, không phải tất cả các bộ, ngành đều thực hiện đúng.

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cần một áp lực đủ lớn - Ảnh minh họa

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cần một áp lực đủ lớn - Ảnh minh họa

Chưa kể, trong phần tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm tới các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trên nguyên tắc xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Thủ tướng cũng chỉ đạo thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc…

Thế nhưng, từ năm 2020, những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại, dẫn đến nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh từ năm 2020 cũng ít được quan tâm hơn.

Thực tế, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ để đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết thường niên về cải cách môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo tình trạng này.

>>> Cải thiện môi trường kinh doanh – Tiếp tục tháo dỡ rào cản

Nội dung báo cáo nêu rõ, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành có xu hướng triển khai chậm hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi Nghị quyết còn nhiều hạn chế, trong khi đây chính là thời điểm khối doanh nghiệp càng cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành để họ an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện thành công chống dịch nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.

Chỉ riêng tình trạng thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau với các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục của hoạt động này, vì đây là nhóm các thủ tục hành chính cần được thực hiện liên thông sớm do tần suất thực hiện thường xuyên.

Đáng nói, tình hình này diễn ra ngay cả trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, một số giải pháp hỗ trợ chưa thật sự hiệu quả.

nếu không có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cải cách chung, rất có thể tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”p/- Ảnh minh họa

Nếu không có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cải cách chung, rất có thể tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 đang được hướng dẫn thực thi, nếu không có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cải cách chung, rất có thể tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” sẽ tiếp tục tái diễn. Quan trọng hơn, sự chững lại, nếu có trong thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thực thi Nghị quyết, mà còn tác động đến cả tốc độ phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM cho rằng, cần sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực thi Nghị quyết, để tạo áp lực hành chính trong bộ máy, dưới là bộ phận cầm “thượng phương bảo kiếm” để giám sát tiến độ, chất lượng công việc. Vì Nghị quyết 02/NQ-CP năm nay chạm vào lãnh địa xin - cho của nhiều bộ, ngành.

“Có thể thấy rõ điều này khi phân tích các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đó là, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát…”, ông Cung lý giải.

Theo ông Cung, việc thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP không thể thực hiện độc lập ở một bộ, ngành nào. Ông lấy ví dụ, việc rà soát sẽ không phải chỉ để cắt giảm, đơn giản những quy định hiện hành, mà cần đánh giá, cân nhắc xem cùng một vấn đề, các quy định liên quan đang như thế nào, được thực thi ra sao, có thể đưa về một luật điều chỉnh hay không; việc tuân thủ ở các luật khác nhau có tương đồng không…

“Những cân nhắc này còn phải tính tới yêu cầu của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Để triển khai hiệu quả, cần có tổ công tác của Chính phủ, với thẩm quyền để làm việc trực tiếp, thúc đẩy với các bộ, ngành liên tục”, ông Cung khuyến nghị.

Cũng theo ông Cung, thời điểm này, việc thực thi các nhiệm vụ của Nghị quyết số 02/NQ-CP cũng cần có áp lực trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, đầu năm 2021, khi đánh giá mô hình Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, kết quả cho thấy, thông qua sự theo dõi, đôn đốc và kiểm tra của Tổ công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương (trong đó bao gồm thực hiện các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh) đã có nhiều cải thiện tích cực.

Đáng chú ý, Tổ công tác đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định không cần thiết, bất hợp lý, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Có thể bạn quan tâm

  • DDCI thúc đẩy lãnh đạo địa phương cải thiện môi trường kinh doanh

    DDCI thúc đẩy lãnh đạo địa phương cải thiện môi trường kinh doanh

    15:44, 20/01/2022

  • Cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022 - Giải quyết dứt điểm sự khác biệt

    Cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022 - Giải quyết dứt điểm sự khác biệt

    10:51, 10/01/2022

  • Nghị quyết 02/2022/CP:

    Nghị quyết 02/2022/CP: "Tăng tốc" cải cách môi trường kinh doanh

    04:10, 09/01/2022

  • Cải thiện môi trường kinh doanh – Tiếp tục tháo dỡ rào cản

    Cải thiện môi trường kinh doanh – Tiếp tục tháo dỡ rào cản

    04:10, 29/12/2021

  • Dự án một luật sửa 10 luật

    Dự án một luật sửa 10 luật "gỡ" khó cho môi trường kinh doanh

    04:10, 30/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh – Cần một “áp lực” đủ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO