Để phát triển dịch vụ logistics xanh, bền vững, theo chuyên gia, bên cạnh sự thay đổi và nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có thêm chính sách trợ lực…
>> Sửa Nghị định 163/2017: Gỡ khó cho phát triển dịch vụ logistics
Thực tế cho thấy, logistics là lĩnh vực liên quan đến hoạt động dịch vụ, có vai trò quan trọng trong việc duy trì kết nối và thúc đẩy các dòng chảy kinh tế, thương mại, đặc biệt là thương mại hàng hóa, dịch vụ. Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có tới 37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là do vận tải, một trong những khâu quan trọng nhất của hoạt động hậu cần. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh dự kiến sẽ tăng gấp 3 nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào năm 2050, dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi.
Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững và bao trùm là xu hướng của mọi nền kinh tế, phát triển logistics xanh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là một mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững. Là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động này tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Cụ thể, tại Việt Nam, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Mặc dù các doanh nghiệp đã có chiến lược phát triển logistics nhưng thực tế triển khai hệ thống logistics xanh tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát, có tới 66,2% số doanh nghiệp logistics chưa có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn ISO.14001.
>> Doanh nghiệp logistics hướng đến “xanh hóa”
Về hành lang pháp lý, nhiều quy định liên quan đã được Chính phủ ban hành, song quá trình thực hiện trong thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh.
Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải; tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường và quảng bá sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.
Trước thực trạng nêu trên, ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.
Đưa ra giải pháp để giúp doanh nghiệp đẩy nhanh và toàn diện quá trình xanh hóa ngành logisctics, ông Lê cho rằng, đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh, phải truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên.
“Song chỉ truyền thông thì không đủ mà cần sự vào cuộc đồng hành hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý, trong đó cần những chính sách cụ thể, rõ ràng, ví dụ như về chính sách thuế...” Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam nhận định.
Đồng thời đề xuất, khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển... vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển. Cùng đó, doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Xoay quanh vấn đề này, bà Trần Thị Hòa, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, cần xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược logistics xanh của doanh nghiệp logistics. Đối với các doanh nghiệp chưa có mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược kinh doanh chung của doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.
“Trong chiến lược phát triển logistics xanh của doanh nghiệp cần quan tâm các tác mục tiêu giảm thiểu khí thải, tối ưu vận hành giảm chi phí tăng hiệu quả kinh doanh, thân thiện với môi trường”, chuyên gia này chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Rebecca Orme, Giám đốc điều hành pháp lý khu vực Đông Nam Á của Fedex Express cho rằng, để ngành logistics xanh và tăng trưởng bền vững, trước hết các quốc gia, doanh nghiệp cần phải chủ động phối hợp xây dựng hệ sinh thái logistics xanh, không chỉ dừng lại ở trong phạm vi một nước mà còn vươn ra khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, các quốc gia cần tạo thuận lợi thương mại, giúp giảm chi phí vận chuyển xuyên biên giới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Cùng đó các quốc gia cũng cần áp dụng công nghệ, tự động hóa các thủ tục hải quan, các giải pháp kỹ thuật số vào quá trình xanh hóa ngành logicstics.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Nghị định 163/2017: Gỡ khó cho phát triển dịch vụ logistics
04:00, 10/04/2024
Doanh nghiệp logistics hướng đến “xanh hóa”
03:00, 04/04/2024
Doanh nghiệp logistics trong làn sóng “chuyển đổi xanh”
18:00, 31/03/2024
Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực cảng biển, logistics
01:40, 28/03/2024
headway - ứng dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng bền vững
15:45, 26/03/2024