Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Chờ cơ chế về phát triển nguồn nhân lực

Gia Nguyễn 15/11/2024 04:30

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, không ít ý kiến kỳ vọng, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực sẽ sớm được xây dựng, hoàn thiện…

Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

thuc-day-nganh-cong-nghiep-ban-dan-14.11.1.1.jpg
Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh minh họa: ITN

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện, một số nhà đầu tư tên tuổi đã triển khai dự án tại Việt Nam như Amkor, Intel, Samsung... một số doanh nghiệp trong nước, như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hoặc Tập đoàn FPT cũng đã có những bước đi rất đáng ghi nhận. Trong đó, FPT đã cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch và thiết kế thành công chíp bán dẫn.

Thực tế, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam vươn thành điểm đến an toàn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu.

thuc-day-nganh-cong-nghiep-ban-dan-14.11.1.2.jpg
Không ít ý kiến kỳ vọng, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực sẽ sớm được xây dựng, hoàn thiện - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, để nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, nghiên cứu, và phát triển cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước ta cho lĩnh vực này trong tương lai. Trong đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm hiện nay, đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch CNCTech Group, trong quá trình làm việc tại khu công nghiệp Hsinchu Science Park (HSP), nơi thường được ví von như “Thung lũng Silicon” của Đài Loan, CNCTech đã ấp ủ ý tưởng kiến tạo Green Park Vĩnh Phúc trở thành khu công nghiệp xanh, hiện đại hàng đầu miền Bắc, thu hút công nghệ cao đặc biệt là bán dẫn. Điều này rất được địa phương và các nhà đầu tư ủng hộ.

Vì vậy, chúng tôi hy vọng, các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm các doanh nghiệp bán dẫn.

“Theo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn quốc gia, đất nước đang cần đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói... với những kinh nghiệm nhất định trong ngành sản xuất, CNCTech sẵn sàng tham gia đào tạo nhân lực cho công đoạn sản xuất ngành bán dẫn”, ông Nguyễn Trung Kiên bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, khi có cơ chế, chính sách rõ ràng, doanh nghiệp luôn sẵn sàng tham gia cùng Nhà nước trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn theo chủ trương, định hướng đã đề ra.

Còn theo bà Linda Tan - Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn toàn cầu khu vực Đông Nam Á, thị trường bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ đạt được 31,39 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,48% trong giai đoạn từ năm 2024 cho đến năm 2029. Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành bán dẫn thông qua các chính sách cũng như các chiến lược, chúng tôi cam kết phát triển thế hệ chuyên gia có kỹ năng thông qua các chương trình toàn diện, đào tạo lại kỹ năng cho nhân lực phục vụ ngành.

“Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) sẽ tiếp tục hỗ trợ những tham vọng của Việt Nam mở rộng dấu ấn trong lĩnh vực bán dẫn thông qua các chương trình toàn cầu của chúng tôi”, vị này bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến cũng cho hay, công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, vi mạch chip bán dẫn được ví như “hạt gạo trong nền kinh tế số”.

Vì vậy, đứng trước cơ hội lớn để đưa “hạt gạo của nền kinh tế số” thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế toàn cầu nói chung. Việt Nam cần huy động tối đa mọi nguồn lực, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đặc biệt, để chuẩn bị cho chiến lược phát triển bền vững, cần tập trung vào hoàn thiện thể chế để phát triển nguồn nhân lực.

Được biết mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn.

Việc có chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư được kỳ vọng giúp Việt Nam bảo đảm vị thế cạnh tranh, giữ chân và thu hút các tập đoàn với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng và tác động lan tỏa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Chờ cơ chế về phát triển nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO