Công nghệ

Thúc đẩy phát triển công nghệ số vào hoạt động du lịch

Minh Huệ - Hiền Bùi 09/11/2024 00:05

Thời gian qua, du lịch Quảng Ninh đã áp dụng công nghệ số, để chuyển dần cách thức tương tác, cũng như nâng cao trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Để giảm chi phí vận hành, quản lý, nhân công, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng hiệu quả bán hàng, các công ty kinh doanh lĩnh vực du lịch đã áp dụng nhiều tiện ích số vào hoạt động.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Công ty CP Du lịch Mở Hạ Long (TP Hạ Long) thời gian qua đã đầu tư đưa các phần mềm vào hoạt động quản lý, kinh doanh, như sử dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu các điểm đến, tour, tuyến du lịch khi làm việc với khách hàng. Quản lý check-in của khách hàng bằng mã vạch. Thanh toán không dùng tiền mặt...

4.jpg
Nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh du khách có thể tìm kiếm trên nền tảng số goole; ticktock; zalo; facebook

Với sự tích cực chuyển đổi số, Công ty đã giảm các chi phí vận hành, quản lý, nhân công, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng hiệu quả bán hàng.

Tổng Giám đốc Công ty Trần Mạnh Thắng cho biết: Chuyển đổi số đã giúp Công ty giảm nhu cầu nhân lực, tiết kiệm chi phí lương, thưởng, bảo hiểm; có thể cung cấp dịch vụ khách hàng đa kênh 24/7, hỗ trợ nhanh chóng, tiện lợi; sử dụng các phần mềm họp trực tuyến giúp nhân viên dễ dàng trao đổi, phối hợp công việc.

Ông Đoàn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương (TP Hạ Long) cho biết: Công ty đã sử dụng phần mềm quản lý khách hàng (CRM) để quản lý thông tin khách hàng, theo dõi tương tác và nâng cao chất lượng dịch vụ; quản lý check-in của khách hàng bằng mã vạch; thanh toán không dùng tiền mặt...

Từ khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có những hiệu quả nhất định, như giảm 30% giấy tờ in ấn… Hiện nay chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, tôi đi đâu, làm gì vẫn điều hành được công việc mọi lúc, mọi nơi, vì vậy hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt.

Không chỉ các doanh nghiệp du lịch ở thành phố, mà các doanh nghiệp ở miền núi cũng đẩy mạnh triển khai các tiện ích số trong quảng bá, sản phẩm du lịch của đơn vị.

Ông Hoàng Văn Sằn - chủ Homestay Hoàng Sằn (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), chia sẻ: 5 năm trước tôi đã sử dụng internet và các trang mạng xã hội quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch. Homestay Hoàng Sằn dần xuất hiện trên các diễn đàn du lịch, công cụ tìm kiếm của Google, các fanpage riêng trên facebook… Nhờ vậy, lượng khách đến với homestay tăng dần, đến nay đón khoảng 700 khách mỗi năm.

Rất nhiều bạn trẻ người DTTS đã lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh của quê hương mình, các dịch vụ, sản phẩm du lịch, giúp thu hút đông đảo du khách đến với vùng đất thơ mộng Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên…

Thúc đẩy phát triển

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh: Những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch được ngành chú trọng quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện. Theo đó, chỉ số ứng dụng CNTT của Sở ngày càng được cải thiện.

5-b1eb2081b2bd716ee79780b919f5b1f6.jpg
Du khách có thể ngồi ở nhà đặt chỗ trên tàu du lịch 5 sao nhờ công nghệ số

Trong ứng dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước, Sở đã triển khai hiệu quả các phần mềm công vụ; hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành với việc cập nhật dữ liệu thông tin các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố; danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch và thu được kết quả đáng kể như: xây dựng, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch, Cổng thông tin du lịch. Trong đó, phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok…và trang dành riêng cho từng thị trường Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc).

Nhờ những công nghệ đó, mà ngành Du lịch Quảng Ninh sắp hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách trong năm 2024. Theo Sở Du lịch, 10 tháng năm 2024, các điểm đến trên địa bàn tỉnh đón trên 16,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó trên 3 triệu lượt khách quốc tế.

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), hiện có 500 cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay, tàu nghỉ đêm... trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm quản lý lưu trú ASM. Với mô hình này, bộ phận lễ tân khách sạn chỉ cần quét QR code trên CCCD gắn chíp của khách lưu trú, thông tin sẽ được link trực tiếp sang phần mềm ASM trên máy tính, tự động cập nhật lên hệ thống thông báo lưu trú quốc gia, giúp cơ sở tránh các sai sót về thông tin.

Để các doanh nghiệp bắt nhịp chuyển đổi số, thời gian qua Sở Du lịch đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tích cực tham gia, đẩy mạnh thương mại điện tử trong du lịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy phát triển công nghệ số vào hoạt động du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO