Chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đủ lợi thế để làm du lịch MICE nhưng hạ tầng dịch vụ, nhân sự còn là hạn chế để phát triển loại hình này.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, một loạt các loại hình du lịch đã phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch MICE".
Đây là một loại hình du lịch kết hợp giữa hội họp, hội thảo, hội nghị, khen thưởng và triển lãm của các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn dành cho cán bộ, nhân viên và đối tác. Vì thế, MICE đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng và kết nối với các hoạt động khám phá, nghỉ dưỡng, sáng tạo sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá thương hiệu, và trở thành một loại hình quan trọng của du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nhận xét MICE là sản phẩm du lịch mang lại những lợi ích kinh tế to lớn và vượt trội cho ngành. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Thông qua việc cung cấp đa dạng các dịch vụ cho các đoàn khách đông đảo và có chi phí cao, MICE còn có tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế khác.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nhận định thị từ năm 2023 đến 2030, thị trường du lịch MICE toàn cầu được dự đoán tăng tốc đáng kể. Ngoài đông và chi tiêu nhiều, khách MICE còn sở hữu một thế mạnh vượt trội so với khách thông thường: ở dài ngày và không chịu tác động của yếu tố thời điểm. Khách MICE có thể đi du lịch mọi mùa trong năm.
Tại Việt Nam, lượng khách MICE tăng mạnh khi trong quý I, doanh thu và lượng khách tăng 35% so với cùng kỳ 2023. Theo đánh giá của Viện trưởng Tuấn, MICE là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm 60-70% lượng khách hiện tại của Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Vũ Thế Bình, mặc dù được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư kinh doanh, nhưng cho đến nay phát triển du lịch MICE của Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối hệ thống ở cả khía cạnh liên ngành và liên vùng. Loại hình du lịch này cũng còn hạn chế về tính chuyên nghiệp, năng lực cạch tranh thua kém một số nước trong khu vực. Chính vì vậy theo vị này du lịch MICE chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của ngành du lịch.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học thuộc Đại học KHXHNV - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch MICE vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thị trường quốc tế.
Để du lịch MICE phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, ông Bình cho rằng, du lịch MICE của Việt Nam cần được phát triển cho cả thị trường du lịch quốc tế (Inbound, Outbound) và thị trường du lịch nội địa; ở cả quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ.
Cần định vị thương hiệu du lịch MICE Việt Nam, xây dựng điểm đến cho từng phân khúc của du lịch MICE, kết nối sức mạnh của các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tạo nên hệ sinh thái phát triển du lịch MICE ở Việt Nam trong tương lai gần nhất.