Việc thiết lập một khu vực thị thực chung ở Đông Nam Á sẽ mở ra cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam bứt phá.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 ở Lào, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, trong đó có phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch "6 quốc gia, 1 điểm đến".
Visa "6 quốc gia, 1 điểm đến" được Thái Lan đề xuất từ tháng 4 nhằm đảm bảo khả năng di chuyển liền mạch cho khách du lịch giữa 6 quốc gia láng giềng, tạo đòn bẩy phát triển du lịch trong khu vực. "Anh cả" của ngành du lịch Đông Nam Á còn thể hiện tham vọng muốn tận dụng chính sách thị thực chung này để mang đi đàm phán với các nước trong EU, tiến tới đạt thỏa thuận miễn visa giữa Schengen và nhóm nước ASEAN này.
Là một trong những người đầu tiên phát kiến loại hình visa này vào giai đoạn những năm 2010 - 2011, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation kỳ vọng có thể thông qua Ủy hội sông Mê Kông - Lan Thương, dựa vào thế mạnh chung dòng sông để thực hiện chương trình tour trải nghiệm đặc sắc cho du khách quốc tế. "Với tình hình kinh tế, mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương mà Việt Nam đang có hiện nay, đến giờ mới bàn lại câu chuyện này là muộn. Tuy vậy muộn còn hơn không. Nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu trong cuộc đua du lịch thì phải thúc đẩy thực hiện ý tưởng này càng sớm càng tốt", ông Kỳ nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích rõ, sau đại dịch, du lịch trở về trạng thái chân không, thị trường mở. Quốc gia nào hành động nhanh thì sẽ bắt được cơ hội vượt lên giành thế chủ động. Nhu cầu khách dồn lên, điểm đến nào có độ mở lớn, thuận tiện, an toàn, chính sách nhập cảnh thân thiện, dễ tiếp cận thì sẽ kéo khách về nhanh nhất. Đó là lý do thời gian qua Thái Lan, Malaysia hay Singapore liên tục triển khai rất nhiều chính sách "mở toang" thị trường. Việt Nam là quốc gia mở cửa sớm sau dịch, nhưng về độ cởi mở lại có phần chậm hơn các nước. Vì thế, tốc độ hồi phục dù có ghi nhận khá tốt nhưng nhìn sang các nước thì vẫn có phần yếu thế.
Đến nay, Việt Nam mới miễn visa cho 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi con số này của Thái Lan đã gần chạm mốc 100. Nếu triển khai nhanh chóng "6 visa, 1 điểm đến", Việt Nam có thể tận dụng được chính sách mở cửa của các nước để đón dòng khách lớn nhiều châu lục. Bên cạnh đó, xét về công tác xúc tiến quảng bá, 6 nước sẽ mở cơ hội lớn hơn rất nhiều so với 1 nước đơn độc đi cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
"Nhìn chung, nếu triển khai được thì du lịch Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn. Thời gian tới, nguồn khách từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ lên ngôi. Dự báo tới năm 2050, khu vực này vẫn giữ vai trò là khu vực có quy mô và mức chi tiêu lớn nhất trên thế giới. Trong đó, khu vực Đông Nam Á được đánh giá là điểm đến chủ chốt, rất năng động. Vì thế, Việt Nam phải tận dụng thật nhanh cơ hội này để vượt lên trên cuộc đua", Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, cần tạo ra những bộ sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và nhấn mạnh được sự khác biệt trong văn hóa Việt Nam so với các nước trong khu vực.
“Chúng ta đã có rất nhiều nhãn về du lịch, nhãn du lịch về bền vững, nhãn du lịch xanh, nhãn du lịch cộng đồng nhưng chưa có nhãn du lịch quốc gia. Đặc biệt trong nhãn du lịch đó chưa phân du lịch vùng miền. Ví dụ bây giờ có 6 vùng du lịch thì nên có các bản đồ du lịch và mỗi một vùng sẽ có một nhãn du lịch. Trong các nhãn du lịch đó có những bộ tiêu chí và bộ sản phẩm để khi khách du lịch đến từng vùng sẽ không thấy những sản phẩm của chúng ta lặp đi lặp lại. Ví dụ như đến Tây Bắc thì sản phẩm cũng giống như khi đến Đông Bắc. Nên chăng chúng ta có một cẩm nang và từ cái nhãn đó có những quy chuẩn để có thể triển khai và thực thi đúng với quy định của Việt Nam cũng như thích ứng được với các nước trong khu vực Đông Nam Á” - ông Vũ Văn Tuyên đề xuất.
Sáng kiến du lịch ''6 quốc gia, 1 điểm đến'' chính là cơ hội để mở rộng nguồn khách, tăng trưởng du lịch, nhưng có nắm bắt và phát huy được cơ hội đó hay không… thì chỉ có thể phụ thuộc vào năng lực của chính chúng ta. Tuy nhiên, các vấn đề về công nghệ, hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực cũng là những điều phải tính toán khi tham gia khối thị thực chung.
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết là xu thế tất yếu trong hoạt động du lịch. Việc áp dụng visa chung sẽ tạo điều kiện cho 6 nước Đông Nam Á trở thành một điểm đến chung, tạo ra sức hấp dẫn nhiều hơn so với từng quốc gia riêng lẻ, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, sáng kiến này cũng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch thông suốt và thuận tiện, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung...