Ngành tài chính Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò của mình hơn nữa trong việc giúp dịch chuyển nền kinh tế trong nước sang mô hình phát thải carbon thấp thông qua đầu tư vào các dự án phát triển xanh, có tính đến các yếu tố rủi ro môi trường và xã hội.
Đây là thông điệp chính trong hội thảo “Tài chính Bền vững về Khí hậu và Năng lượng”, do WWF-Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29/3 tại Hà Nội.
Nói không với các dự án tác động xấu tới môi trường
Biến đổi khí hậu hiện nay không còn là một khái niệm mới đối với các chính phủ và người dân trên toàn cầu. Các tác động của hiện tượng này đối với kinh tế, văn hoá và đời sống hàng ngày đã rõ ràng. Theo một nghiên cứu của Liên Hợp quốc, biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 300 tỷ USD mỗi năm, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tượng thời tiết cực đoan, giá lạnh và băng tuyết các vùng phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của hàng triệu người dân một cách nghiêm trọng.
Đối mặt với thách thức toàn cầu này, 180 quốc gia trên thế giới đã ký Thoả thuận Paris vào năm 2016, trong đó từng nước đưa ra cam kết cụ thể cắt giảm khí phát thải nhà kính, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Trước đó, Việt Nam đã ký kết thoả thuận, và đặt mục tiêu cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết: “Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ không thể thực hiện được thoả thuận khí hậu Paris và Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc nếu như khu vực tài chính – ngân hàng không thực hiện vai trò của mình. Chỉ khi nào khu vực tài chính – ngân hàng nói không với các dự án gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, khi đó chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững.”
Xu thế của toàn cầu
Tài chính bền vững là một xu thế toàn cầu mà các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang thực hiện. Năm 2003, Nguyên tắc Xích đạo về khung đánh giá rủi ro các yếu tố xã hội và môi trường của các dự án tài chính, đã được thông qua bởi các tổ chức tài chính. Tới tháng 1 năm 2018, đã có 92 tổ chức tài chính tại 37 quốc gia chính thức thông qua Nguyên tắc này. Những tổ chức tài chính, ngân hàng lớn tham gia Nguyên tắc này có thể kể tới như HSBC Holding plc, Standard Chartered PLC, Citigroup, Westpac Banking Corporation,...
Việt Nam đã có nền tảng cơ sở tốt về chính sách và chiến lược để thực hiện thoả thuận Paris như Quyết định 1393 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tăng trưởng xanh ban hành năm 2012, trong đó tăng trưởng phát thải carbon thấp là một trong ba mục tiêu chính. Trong khi đó, ngành tài chính – ngân hàng cũng có những bước tiến về mặt chính sách để theo kịp tình hình quốc tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với IFC xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.
Đồng tình quan điểm với ông Nguyễn Quang Vinh, ông Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn & Phát triển Chương trình của WWF nhận định: Khi biến đổi khí hậu đã tác động lên mọi mặt cuộc sống, việc xem xét các yếu tố rủi ro về môi trường và xã hội khi đánh giá một dự án đầu tư là hết sức quan trọng. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ ngân hàng bị nợ xấu hoặc không thể thu hồi vốn đầu tư. “Điều đó cũng có nghĩa là ngành tài chính – ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định một dự án có thể được triển khai hay không. Và nếu họ quyết định chỉ đầu tư vào các dự án không ảnh hưởng xấu tới môi trường, tới các hệ sinh thái và an sinh xã hội, thì đó chính là tài chính bền vững”, Benjamin Rawson cho biết thêm.
“Việt Nam đã có những chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, tuy nhiên việc thực thi các chính sách này vẫn chưa thực sự tốt. Trong thời gian tới, WWF sẽ hợp tác với các ngân hàng, hiệp hội và các đối tác trong việc thúc đẩy thực hiện tài chính bền vững tại Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, xây dựng các cộng cụ và hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng", ông Benjamin cam kết
Chương trình “Tài chính bền vững về Khí hậu và Năng lượng” được tổ chức lần này cũng nằm trong kế hoạch nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính – ngân hàng của WWF. Tại hội thảo, các chuyên gia tài chính quốc tế và trong nước sẽ chia sẻ xu hướng chuyển dịch nền kinh tế phát triển carbon thấp trên thế giới, kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro các dự án đầu tư về môi trường và xã hội, các sản phẩm cho vay bền vững cũng như nêu nên các khó khăn và cơ hội khi áp dụng tài chính bền vững.
Hội thảo lần này đã tập trung vào các vấn đề liên quan tới năng lượng bền vững, một thế mạnh của Việt Nam nếu chúng ta thực sự nghiêm túc đầu tư. Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải carbon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu. Như vậy, đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể là lĩnh vực mà ngành tài chính - ngân hàng quan tâm đầu tư đầu tiên, loại bỏ dần các dự án nhiệt điện than, hiện đang chiếm 53% trong tổng sản lượng điện của Việt Nam.