Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Diendandoanhnghiep.vn Thanh toán không dùng tiền mặt tuy đã tăng nhưng thực tế vẫn là đa số các giao dịch nhỏ lẻ chưa qua nền tảng số hóa, mặc dù các ngân hàng và doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy điều này.

 Để giao dịch nhỏ cũng thanh toán không dùng tiền mặt

Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011. Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ.

Dân số trong độ tuổi lao động và khách hàng trẻ là điều kiện tối ưu cho tâm lý sẵn sàng trải nghiệm, tham gia TTKDTM.

Dân số trong độ tuổi lao động cao và đông khách hàng trẻ với tâm lý sẵn sàng trải nghiệm công nghệ là điều kiện tối ưu thúc đẩy toàn dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Trong khi đó, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được thực tế ghi nhận. Điều này cũng phù hợp với xu hướng và nhu cầu sử dụng công nghệ trong kỷ nguyên số của người Việt nói riêng, thế giới nói chung.

Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số- Bộ Công thương cho biết đến cuối năm 2018, Việt Nam có 53% dân số sử dụng internet và hơn 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone. Con số này cũng tương ứng với số liệu về giao dịch thanh toán qua mobile và intenet đang tăng lên đáng kể.

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đến 31/3/2019 đã đạt số lượng giao dịch tài chính lớn. Cụ thể qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Cùng với đó, 130 triệu thuê bao của hệ thống viễn thông – gấp đôi số lượng tài khoản ngân hàng hiện hữu, cùng với đề án thí điểm Mobile Money, theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông-Bộ Thông tin và Truyền thông, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội để toàn dân, đặc biệt người dân ở khu vực vùng xa, có thể thực hiện TTKDTM với những giao dịch nhỏ mà không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng. “Với Mobile Money, hy vọng ngành viễn thông cũng sẽ làm được điều này trên nền tảng hiện có”, ông Trung nói.

Ngân hàng đã và đang làm gì?

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đều nhận định về mặt kỹ thuật, hạ tầng đã sẵn sàng cho TTKDTM với số lượng giao dịch lớn. Các đơn vị cũng đã đón đầu xu hướng, nỗ lực nắm bắt cơ hội, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút khách hàng, kích thích TTKDTM trong các giao dịch tài chính-ngân hàng, chi tiêu tiêu dùng và thương mại, kinh doanh.

VPBank cho biết năm 2018, ngân hàng này đã ra mắt ngân hàng số, dịch vụ số Yolo. Việc ký kết hợp tác chiến lược với Be Group mới đây cũng là nỗ lực để phục vụ các giao dịch tài chính qua không gian số cho khách hàng trong hệ sinh thái VPBank được thuận tiện hơn. 

Bà Lê Thị Diễm Phương – Trưởng phòng Cao cấp phòng thẻ Doanh nghiệp khối SME VPBank cho biết, mới đây VPBank đã công bố công cụ BizPay - một giải pháp thanh toán đột phá, hữu ích cho cả người mua và người bán. "Khách hàng doanh nghiệp bên mua và bán đều không còn phải lo lắng về tiến độ thanh toán khi người bán hàng sẽ nhận được tiền ngay sau 48 giờ xuất hóa đơn đỏ, còn người mua hàng sẽ được VPBank hỗ trợ tiền thanh toán - với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày. Nhờ vậy, cả bên mua và bên bán đều có thể tận dụng tối đa nguồn vốn ngân hàng cho dòng tiền của mình, mang về lợi nhuận cao nhất. BizPay còn có sự tích hợp các phầm mềm quản lý doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đồng bộ số liệu và tiết kiệm được khá nhiều thời gian trong khâu quản lý tài chính, quản lý công nợ, giảm thiểu chi phí và nhẹ gánh vốn vay hơn so với trước đây", bà Phương chia sẻ.

Trong khi đó, Bà Trần Thu Hương – Giám đốc Ngân hàng bán kẻ kiêm Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh VIB cho biết, qua các kênh phương tiện TTKDTM qua thẻ và MyVIB – VIB đã xử lý 6 triệu giao dịch/năm. Đây là kết quả cho thấy hiệu quả xử lý thanh toán không dùng tiền mặt.

“VIB gần đây cũng tích cực thúc đẩy chi tiêu bằng thẻ, triển khai chính sách, liên kết nhiều đối tác để mang đến khuyến mãi lên tới 50%, thúc đẩy 3 cấp khách hàng sử dụng TTKDTM qua thẻ từ rút tiền mặt chi tiêu đến nâng cấp lên thành thẻ tiêu dùng chi tiêu hàng ngày. Khi khách hàng có thói quen chi tiêu thẻ, ngân hàng tiếp tục đưa yếu tố công nghệ vào để tăng tiện tích, mang công nghệ thẻ ảo để khách hàng chỉ cần được phê duyệt dùng thẻ, có số mã thẻ, số pin là sử dụng được”, bà Hương cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó TGĐ VietjetAir cũng cho biết, từ ngày 1/6, Vietjet đã trở thành hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ cho vay mua vé máy bay trả góp, thông qua hợp tác với HD Saison và chuyển khoản thanh toán qua HDBank – tất cả đều hoàn toàn là giao dịch trên nền tảng số. Vào ngày 16/6 –"Ngày không tiền mặt" đầu tiên ở Việt Nam tới đây, sản phẩm này của Vietjet-HD Saison còn ưu đãi cho vay khách hàng trả góp mua vé máy bay nội địa, quốc tế 0% lãi suất. Việc thanh toán qua HDBank sẽ được hưởng ưu đãi giảm trên giá vé hoặc hoàn tiền 36% như một nỗ lực thu hút khách hàng đến với sản phẩm dịch vụ và TTKDTM trong lĩnh vực hàng không-tiêu dùng...

Ông Fung Kai Jin, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ VPBank

 "Không phải chỉ Việt Nam mới có các vấn đề, rào cản nảy sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch tài chính, thương mại điện tử và các thanh toán không dùng tiền mặt. Mọi quốc gia trên thế giới đều gặp những vấn đề như vậy. Nhưng công nghệ mới, luôn có giải pháp mới. Sẽ không có vấn đề nào, rào cản nào không giải quyết được nếu chúng ta hướng đến phục vụ lợi ích thực sự của nền kinh tế". 

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và Phó Chủ tịch MoMo

"Hiện tại, cả thị trường chỉ có 5 triệu người sử dụng ví điện tử/ gần 100 triệu dân là thấp. Rào cản để phát triển giao dịch qua ví điện tử khó nhất vẫn là người dân chưa tin thanh toán điện tử và thận trọng khi sử dụng dịch vụ. Nhà nước nên có chính sách “bảo trợ”, khuyến khích người dân ở các vùng ngoài đô thị cấp 1 để người dân có sự tin tưởng, sẵn sàng tham gia vào hệ sinh thái thanh toán. MoMo cũng mong muốn được tham dự trực tiếp vào những chương trình tài chính tổng quát để phát triển mạnh mẽ hơn". 

Ông Nguyễn Sơn Hải -P.TGD VNPT-Media

"VNPT hiện có hơn 30 triệu khách hàng. Muốn thay đổi phương thức thanh toán phải thay đổi toàn bộ hệ thống bên trong, từ nền tảng, con người để chuyển hóa chi phí dành cho kênh bán hàng thông thường vào kênh bán hàng thanh toán phi tiền mặt, làm sao nhanh, tiện, rẻ để phục vụ khách hàng thông thường. Ngoài ra, các khách hàng cơ quan trung ương, địa phương, thậm chí Chính phủ đề ra các chính sách khuyến khích người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ quan quản lý cũng cần có cái nhìn rộng hơn đối với các Công ty công nghệ"

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713485471 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713485471 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10