Khởi nghiệp quốc gia

Thúc đẩy và liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng

Nguyễn Nguyên 14/09/2024 1:16

Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với mục tiêu thúc đẩy và liên kết phát triển kinh tế vùng.

Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024 với chủ đề "Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại TP Huế.

anh1a.jpg
Toàn cảnh hội trường Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ năm 2024 (ảnh Sở Khoa học và Công nghệ)

Sự kiện lần này là dịp để tham vấn cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và được nhiều ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước chia sẻ, trao đổi, thảo luận, giải quyết những vấn đề ưu tiên trong việc kết nối nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Từ đó, tạo cơ hội để cộng đồng khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, khai thác tối ưu hóa nguồn lực, nguồn chuyên gia trong nước và quốc tế; đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại vùng và cả nước nói chung.

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bằng cách tận dụng và khai thác thế mạnh di sản văn hóa – lịch sử đặc biệt của mình để đưa vào các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, Huế đã đẩy mạnh giáo dục và nghiên cứu từ các trường đại học để tạo nền tảng căn bản kiến thức vững chắc làm hành trang cho khởi nghiệp. Đặc biệt, sự quan tâm mạnh mẽ từ lãnh đạo địa phương và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Huế phát triển nhanh chóng, dần hoàn thiện các thành tố trọng yếu nhất của một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh chia sẻ, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng", từ đó, tham vấn cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ, trao đổi, đặt ra những vấn đề ưu tiên trong giải quyết các "bài toán" phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Thừa Thiên - Huế và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động để gia tăng hơn nữa đóng góp của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước, Thứ trưởng nói.

Ảnh Sở Khoa học và Công nghệ
Ảnh Sở Khoa học và Công nghệ

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế chia sẻ, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Đến nay, trên địa bàn vùng, tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển, nhưng quy mô hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp này trên địa bàn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành động lực, công cụ tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng. Dẫn đến hoạt động hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo chưa có tầm nhìn, nhiều dự án, ý tưởng, dự án khởi nghiệp chưa có giá trị tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo... ông Hồ Thắng nhận định.

Việc hợp tác vùng sẽ giúp các tỉnh khắc phục hạn chế riêng lẻ, phát huy thế mạnh và tạo sự phát triển đồng bộ cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong toàn khu vực. Thêm nữa, mỗi địa phương trong vùng có quy mô kinh tế tương đối nhỏ, nếu phát triển riêng lẻ sẽ khó thu hút đầu tư lớn và hỗ trợ startup phát triển mạnh mẽ. Khi xây dựng hệ sinh thái vùng, các nguồn lực có thể được tập hợp lại, tạo ra quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tăng cơ hội phát triển cho các startup.

Xây dựng hệ sinh thái vùng sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường lớn hơn. Cùng với đó các tỉnh thành có thể liên kết cùng phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, chương trình hỗ trợ tài chính, và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp khác, đồng thời mở rộng cơ hội kết nối với các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Cộng đồng địa phương cũng cần nhận thức rõ vai trò của mình, tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch. Sự hợp tác này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa kinh tế Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển vượt bậc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy và liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO