Thúc đẩy xuất khẩu khu vực miền Trung - Tây Nguyên

TUẤN VỸ 18/05/2023 08:52

Để thúc đẩy sản xuất, kết nối giao thương, hầu hết các địa phương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đều tích cực xúc tiến thương mại giúp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh mới, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối đối tác, bảo đảm nguồn cung... cho thị trường quốc tế, vì vậy cần thêm động lực để doanh nghiệp mạnh dạn phát triển sản phẩm của mình.

>>Kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên

  Để thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như nguồn cung cho đối tác.

Để thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như nguồn cung cho đối tác.

Tăng cường xúc tiến thương mại là công cụ hiệu quả để doanh nghiệp triển khai những chiến lược dài hạn cho thị trường trong nước và quốc tế.

Thách thức cho các doanh nghiệp

Để thúc đẩy sản xuất, kết nối giao thương, hầu hết các địa phương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đều tích cực xúc tiến thương mại giúp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua nhiều chương trình, doanh nghiệp đã dần tìm được đối tác, song lại gặp nhiều trở ngại ngay tại nội lực như không đảm bảo nguồn cùng, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường,...

Đặc biệt, các mặt nông sản được đánh giá rất cao nhưng hiện nay phần lớn vẫn chỉ đang ở dạng xuất thô. Câu chuyện chế biến nông sản xuất khẩu vẫn đang trong giai đoạn tìm phương án để “lên đường” vươn ra thế giới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại. Hiện đã “mở đường” đến được 17 thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do và hàng loạt quan hệ của Việt Nam với các đối tác quốc tế. Trong đó, những hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua phần chính là cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Tuy nhiên trong quá trình hỗ trợ cho thấy sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp lúc này vẫn thấp, không đạt được quy mô thương mại, chưa đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối. Có trường hợp, khách hàng có nhu cầu đặt mua số lượng lớn sản phẩm để bao phủ hệ thống siêu thị tại một thị trường, nhưng khi chúng tôi giới thiệu đến thì các doanh nghiệp của chúng ta không đủ sản lượng”, ông Phú cho biết.

Đồng thời, ông Phú cho rằng mặc dù thị trường đã mở cửa nhưng không phải vì thế mà hàng hóa mặc nhiên tự động được phân phối ở các hệ thống siêu thị. Để làm được điều đó thì, sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt thực phẩm, nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu,...

“Phải kịp thời, đều đặn, đủ số lượng quy mô, cam kết đủ các tiêu chuẩn chung và của các nhà nhập khẩu (như FTA, FDA…). Những điều này là thách thức thực sự cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.

>>Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp "xanh" vùng Tây Nguyên

Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, thành phố Đà Nẵng là trung tâm liên kết miền Trung, cảng biển có, thương mại có, kho, nguồn lực có nhưng về nông sản của địa phương, thủy hải sản không có. Do đó ông Bình đề xuất nên có những công ty đầu mối tại địa phương.

“Công ty này sẽ đi đến tất cả các doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên để tìm hiểu những sản phẩm tốt liên kết chia sẻ phát triển những mẫu mã. Công ty này cũng sẽ thông qua quá trình xúc tiến thương mại tại các hội chợ quốc tế sẽ giới thiệu với 30 - 40 sản phẩm, như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên phục vụ nguồn lực”, ông Bình đề xuất.

Ông Jesper Clausen, Chủ tịch Ủy ban ngành Lương thực – Nông nghiệp và Thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cho rằng, doanh nghiệp phải nắm bắt, hiểu rõ các nội dung của hiệp định EVFTA. Theo vị này, một trong những nội dung có trong hiệp định trên là việc miễn giảm thuế, và các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường châu Âu được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo ông Jesper Clausen, bên cạnh sự hưởng lợi này thì cần chú ý tiêu chuẩn, nhu cầu của các nhà phân phối, nhà tiêu thụ, đảm bảo được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đó là những yêu cầu không hề dễ dàng nhưng các doanh nghiệp cần chú ý và hoàn thiện. Đảm bảo mặt sản lượng để đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ, phân phối. Đó không chỉ là vấn đề chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam mà là bài toán chung của các doanh nghiệp toàn cầu.

“Vì thế chúng ta cần đi cùng nhau, chung tay, đồng hành để tháo gỡ khó khăn, đưa sản phẩm Việt vào thị trường nước ngoài, trong đó có châu Âu. Cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động, không nên ngồi im chờ đợi, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Nhà nước hay chờ đợi các đối tác tìm đến mình, “gõ cửa” nhà mình, mà mình phải tự tìm đến họ. Chủ động kết nối, liên hệ, tìm cơ hội từ những hoạt động xúc tiến”, ông Jesper Clausen nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên

    Kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên

    10:47, 11/05/2023

  • Khơi thông động lực kinh tế miền Trung

    Khơi thông động lực kinh tế miền Trung

    11:07, 07/05/2023

  • Thay đổi chiến lược phát triển, Đất Xanh Miền Trung đổi tên thành Regal Group

    Thay đổi chiến lược phát triển, Đất Xanh Miền Trung đổi tên thành Regal Group

    15:25, 20/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy xuất khẩu khu vực miền Trung - Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO