Giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.778,482 tỷ đồng, mới chỉ hoàn thành 10,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Vốn ODA dành cho kế hoạch năm 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó dành 2/3 nguồn vốn này cho các địa phương. Tuy nhiên đến đầu tháng 7/2020, trong 63 tỉnh, thành thì 22 tỉnh giải ngân vốn ODA bằng 0%, tức là sáu tháng qua chưa giải ngân được một đồng nào. Chỉ có 16 tỉnh, thành giải ngân trên 10%, duy nhất một tỉnh đạt 15%, còn lại rất thấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Khi xây dựng các dự án để vay vốn ODA, các tỉnh, thành phải cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng. Nhưng đến khi có dự án, lại gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị dự án sơ sài, khiến nhiều dự án sử dụng vốn ODA phải thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...); gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay.
Chẳng hạn như Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, do hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc xây dựng các mô hình sinh kế nên phải nghiên cứu thay đổi so với dự kiến để phù hợp với tình hình thực tế.
Hay như Tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nguồn nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú, tỉnh An Giang gặp khó khăn do WB yêu cầu thực hiện các kế hoạch chuyển đổi mô hình sinh kế mới, triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp nên phải lựa chọn Tư vấn thực hiện phần mô hình sinh kế...
Trước thực trạng này, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu của từng dự án; đồng thời cần tập trung vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, dự án sắp hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Nếu dự án nào không đủ khả năng giải ngân, đề nghị chuyển dự toán cho các dự án có khả năng giải ngân tốt để tận dụng nguồn vốn tốt nhất có thể. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm vốn của các Bộ, ngành và địa phương để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định. Nếu cần thiết, sẽ điều chuyển vốn cho dự án của các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng giải ngân”, ông Trần Xuân Hà nhấn mạnh.