Tiến độ và hiệu quả triển khai nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm.
>> Chính thức thông qua gói hỗ trợ kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng
Được mệnh danh là gói hỗ trợ toàn dân, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đây là gói hỗ trợ mạnh tay hơn, chú trọng đến kích thích tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn cần cẩn trọng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế, nếu không chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”...
Lo ngại khả năng hấp thụ của doanh nghiệp
Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Học viện Tài chính, Chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với các gói hỗ trợ, Chính phủ sẽ sẵn sàng đi vay nợ để hỗ trợ doanh nghiệp nếu như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế tốt và có hiệu quả.
“Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước tăng những năm gần đây. Do thu năm 2021 tăng nên chỉ số này kéo về 24,8%. Ngân sách thu được 1 đồng nhưng bỏ 1/4 đồng để trả nợ, vì vậy, cần phải cẩn trọng”, ông Thịnh cảnh báo.
Theo quan điểm của ông Thịnh vốn không hấp thụ được chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”, càng nhiều tiền, càng lãng phí, càng tạo ra tham nhũng xin – cho.
“Tiền lưu thông nhiều, lạm phát leo thang, các cân đối quy mô bị phá vỡ, doanh nghiệp có bao nhiêu lợi nhuận cũng bị bào mòn hết. Doanh nghiệp vừa ốm dậy ăn quá nhiều sâm có khi phản tác dụng”, ông Thịnh nói.
>> Infographic: Việt Nam đã có các gói hỗ trợ kinh tế vượt dịch nào?
Cần chính sách đặc biệt cho các khu vực có tiềm năng
Cũng nói về vấn đề này, theo quan điểm của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng doanh nghiệp nói chung và đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng rất khó tiếp cận tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Cần có sự cộng hưởng, yểm trợ của chính sách tài khóa khi dòng vốn của ngân hàng đến với các doanh nghiệp còn hạn chế, để hỗ trợ dòng tiền và ổn định tài chính cho doanh nghiệp.
“Bên cạnh chính sách chung để cứu doanh nghiệp, cần có những chính sách đặc biệt cho các lĩnh vực có tiềm năng để phục hồi nhanh chóng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế ngay trong đại dịch, chứ không phải chờ khi đại dịch qua đi mới hỗ trợ. Chính sách tài khóa cần phải đóng vai trò trung tâm”, ông Lộc nói.
Có thể bạn quan tâm
16:27, 11/01/2022
11:00, 06/12/2021
17:10, 30/06/2021
05:20, 16/10/2021