Việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông cộng cộng.
Trong 10 năm qua, các hoạt động thực thi môi trường không khói thuốc lá đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương và là mục tiêu trọng tâm của công tác PCTH thuốc lá.
Để hướng dẫn thực hiện quy định môi trường không khói thuốc, dựa trên các mô hình đã được triển khai thí điểm từ năm 2015, ngày 28/10/2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4477/QĐ-BYT ban hành các tài liệu: Hướng dẫn về thực hiện môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc, trường học, bệnh viện, các phương tiện giao thông công cộng, khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, cộng đồng dân cư,… để áp dụng chung trong toàn quốc.
Từ năm 2014 – 2023, hàng năm Quỹ PCTHTL hỗ trợ hơn 100 đơn vị trên toàn quốc: các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội; 63 tỉnh, thành phố, các cơ sở khám, chữa bệnh thực thi Luật PCTH của thuốc lá.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông cộng cộng.
Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang… tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá.
Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc trong cộng đồng đã có chuyển biến tích cực - là một trong những kết quả bền vững trong công tác PCTH thuốc lá tại nước ta.
Những thành công bước đầu này đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật PCTH thuốc lá và ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá”.
Để tăng cường ý thức và sự giám sát của cộng đồng về các hành vi vi phạm về PCTHTL, Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế đã xây dựng và thí điểm ứng dụng trên điện thoại di động để giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc.
Ứng dụng có chức năng tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm Luật PCTH thuốc lá, đồng thời, thông qua ứng dụng, người dân cũng có thể bình chọn các địa điểm môi trường trong lành không khói thuốc.
Sự hỗ trợ của Quỹ cho các bộ, ngành, các tỉnh thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tổ chức thực hiện các quy định cấm hút thuốc của Luật PCTH thuốc lá một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thông qua các hoạt động do Quỹ hỗ trợ như xây dựng, phổ biến tài liệu hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn, cung cấp các sản phẩm truyền thông, đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của các lãnh đạo các đơn vị đến các cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân đối với việc tuân thủ các quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng, qua đó đảm bảo tạo môi trường không khói thuốc lá và giảm thiểu các nguy cơ sức khoẻ cho người dân.
Sau 10 năm thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc, đã giúp giảm tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc (năm 2023 so với năm 2010): Tại nơi làm việc giảm 32,9% (từ 55,9% xuống 23%); tại cơ sở y tế giảm 2,3% (từ 23,6% xuống 21,3%); tại trường trung cấp, cao đẳng và đại học giảm 23,6% (từ 54,3% xuống 30,7%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15,4% (từ 34,4% xuống 19%); tại gia đình giảm 27,5% (từ 73,1% xuống 45,6%).
Có thể bạn quan tâm