Kinh tế thế giới

Thuế quan Mỹ đủ sức "ngáng đường" Trung Quốc?

Cẩm Anh 25/01/2025 11:09

Sự phát triển của thương mại điện tử và các công nghệ khác đã giúp Trung Quốc duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh rào cản thương mại.

a1.jpg
Sự phát triển của thương mại điện tử và các công nghệ khác đã giúp Trung Quốc duy trì khả năng xuất khẩu của mình.

Khi phải đối mặt với những trở ngại mới từ các mối đe dọa về mức thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, Trung Quốc đã chứng minh khả năng phục hồi phi thường trong việc duy trì đà xuất khẩu chung của đất nước.

"Cỗ máy" xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đáng gờm vào năm ngoái. Theo dữ liệu mới nhất từ ​​cơ quan hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của nước này năm 2024 đạt 3,58 nghìn tỷ đô la Mỹ, đưa quốc gia này trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Vai trò của Trung Quốc như một nhà cung cấp chính các sản phẩm hoàn thiện toàn cầu vẫn tiếp tục vững chắc. Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 992 tỷ USD.

Theo ông Zhou Xin, Biên tập viên công nghệ của Post, Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ một nền kinh tế dựa nhiều vào sản xuất hàng hóa giá rẻ sang một nền kinh tế đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chính sự chuyển dịch này đã góp phần đáng kể vào khả năng phục hồi xuất khẩu của nước này.

"Bộ ba mới" trong xuất khẩu của Trung Quốc - xe điện, pin lithium và sản phẩm quang điện - đã tiếp tục tăng trưởng mạnh, thay thế các phân khúc cũ là quần áo, đồ nội thất và đồ gia dụng.

Trung Quốc, nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 6,4 triệu xe ra nước ngoài vào năm 2024, tăng 22,8% so với một năm trước. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, giá trị xuất khẩu mạch tích hợp hoặc chất bán dẫn của nước này đã vượt quá giá trị xuất khẩu quần áo vào năm ngoái, trong khi giá trị xuất khẩu tàu thuyền tăng vọt 57,3%.

"Tất cả những con này cho thấy một ngành hàng xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc đang trong quá trình nâng cấp ổn định", ông Zhou nói.

a2.jpg
Xe tải và container tại cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nghệ cũng đang nhanh chóng thay đổi bối cảnh xuất khẩu truyền thống của Trung Quốc. Ví dụ, trong thị trường đồ gia dụng, Trung Quốc nhanh chóng phát hiện ra các thị trường ngách, từ máy pha cà phê đến máy cắt cỏ. Sau COVID-19, ít khách du lịch Trung Quốc mua nồi cơm điện và một số sản phẩm gia dụng khác vì các sản phẩm trong nước đã bắt kịp về chất lượng.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã khiến việc xuất khẩu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trước đây, việc các nhà máy nhỏ bán hàng ra nước ngoài không hề thuận tiện và rẻ vì cần phải đầu tư rất lớn vào tiếp thị, bán hàng và dịch vụ khách hàng, bên cạnh các vấn đề phức tạp từ sắp xếp vận chuyển đến thủ tục hải quan.

Nhưng sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử như AliExpress, Shein, Temu và TikTok Shop đã mở ra tiềm năng mới trong hệ thống sản xuất của Trung Quốc, giúp hàng chục nghìn thương nhân nhỏ có thể khai thác thị trường trên toàn thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 9,2 tỷ đôi giày, tăng 3,3% so với năm 2023.

Các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc phần lớn không thay đổi. Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái, chiếm khoảng 15%. Quốc gia này xếp hạng thấp hơn một chút so với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng cao hơn Liên minh châu Âu.

Các mức thuế bổ sung mà ông Trump áp dụng đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên vẫn được duy trì trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden, đã không ngăn cản được sự tăng trưởng của xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu 524,7 tỷ đô la Mỹ giá trị sản phẩm sang Mỹ vào năm 2024, tăng khoảng 100 tỷ đô la Mỹ so với mức 429,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017. Trong khi đó, lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong cùng kỳ chỉ tăng khoảng 10 tỷ đô la Mỹ.

Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ thu hút sự giám sát chặt chẽ hơn từ các đối tác thương mại của nước này. Bắc Kinh đã sản xuất nhiều sản phẩm hơn nhiều so với mức 1,4 tỷ người dân có thể tiêu thụ, một phần là nhờ vào hệ thống phân phối nghiêng nhiều hơn về phía Nhà nước thay vì các hộ gia đình.

Ông Zhou nhận định, khi hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, các quốc gia nhập khẩu, bao gồm cả các nước đang phát triển, dự kiến ​​sẽ dựng lên nhiều rào cản thương mại hơn để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Các mức thuế đe dọa của ông Trump, ở một mức độ nào đó dường như không thể ngăn chặn "cỗ máy"Ơ sản xuất của Trung Quốc trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Cho đến nay, Trung Quốc đã làm tốt việc xử lý các rào cản thương mại thông thường từ các cuộc điều tra chống bán phá giá đến thuế quan. Nhưng về dài hạn, bất kỳ quốc gia lớn nào như Trung Quốc sẽ phải dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu, để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế quan Mỹ đủ sức "ngáng đường" Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO