Chính phủ và các bộ ngành vẫn đang xem xét các giải pháp để quản lý thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, thực tế vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều về dòng sản phẩm này.
Trong khi đó, một số nước tiên tiến trên thế giới mới đây đã công bố những bước đi mới trong việc quản lý thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử có thể hỗ trợ cai nghiện thuốc lá?
Hiệp hội Nghề Y tá New Zealand (NZOHNA) ngày 7/3/2021 đã chính thức ra mắt chiến dịch mang tầm quốc gia nhằm giảm thiểu tác hại thuốc lá mang tên “Vape to QuitStrong”.
Chiến dịch thể hiện quan điểm của Chính phủ New Zealand rằng thuốc lá điện tử (vaping) là giải pháp tiềm năng dành cho những người đang hút thuốc cũng như hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Chính phủ New Zealand đang áp dụng rộng rãi cách tiếp cận chính sách giảm thiểu tác hại thuốc lá (THR) tương tự như chiến dịch của Vương quốc Anh mang tên Stoptober.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Công cộng Anh - cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội phụ trách vấn đề sức khỏe và phúc lợi của quốc gia – cũng cho thấy thuốc lá điện tử có thể đóng vai trò nhất định trong hoạt động giảm tác hại thuốc lá.
Cụ thể, trong báo cáo của Tổ chức Y tế Công cộng Anh 2021 được công bố vào cuối tháng 2/2021, thuốc lá điện tử đã và đang là lựa chọn phổ biến nhất của những người hút thuốc trưởng thành cho nỗ lực giảm hoặc bỏ thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc hiện đang giảm xuống cho thấy tình trạng “sử dụng kép” (vừa hút thuốc lá điếu vừa dùng thuốc lá điện tử) đang giảm dần ở người hút thuốc. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Công cộng Anh 2021 cũng phát hiện rằng những quan niệm về tác hại do hút thuốc lá điện tử gây ra ngang bằng với thuốc lá điếu là không phù hợp và cần xem xét lại.
Báo cáo cũng trích lời ông Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cho rằng thuốc lá điện tử là một sản phẩm vẫn còn tương đối mới - hiện chưa đánh giá được rủi ro một cách toàn diện vì chưa ai biết rõ tác động lâu dài của chúng. Ông cũng nhấn mạnh không khuyến khích những người chưa hút thuốc sử dụng chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
Trước đó, Hội thảo trực tuyến toàn cầu về thuốc lá điện tử (E-cigarettes Summit) do Anh Quốc tổ chức vào tháng 12/2020 cũng ghi nhận một số ý kiến liên quan đến vấn đề này. Hơn 35 chuyên gia quốc tế trong ngành đến từ Mỹ, Anh, Thụy Điển, Ấn Độ, Nhật Bản... tham gia vào các cuộc thảo luận trong hai ngày về những thách thức và cơ hội trong ngành thuốc lá.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Martin Dockrell, Giám đốc Chương trình Kiểm soát Thuốc lá thuộc Y tế Công cộng Anh Quốc cho rằng, việc điều chỉnh các quy định về thuốc lá và sản phẩm liên quan là điều cần thiết. Theo ông, để tạo sân chơi công bằng cho tất cả các sản phẩm thuốc lá, các nhà làm luật cần phải làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc hệ thống quy định pháp luật cung cấp sự phân biệt rõ ràng và thích hợp giữa các loại sản phẩm khác nhau (thuốc lá truyền thống, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nhai), từ đó sẽ quản lý dễ dàng hơn.
Trong khi đó, theo Giáo sư Dorothy Hatsukami từ Khoa Tâm thần học và Khoa học Hành vi, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ, trước đây có nhiều người không ủng hộ thuốc lá điện tử và có định kiến với loại thuốc lá này. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đang thay đổi khi có các bằng chứng khoa học cho thấy tiềm năng giảm thiểu tác hại của dòng sản phẩm này.
Còn ông Alan Boobis, giáo sư về chất độc học tại Đại học Imperial College London, cho rằng ảnh hưởng của các hóa chất trong thuốc lá và thuốc lá điện tử sẽ không chỉ phụ thuộc vào độc tính bên trong của chúng, mà còn do thực tế sử dụng. Các bằng chứng thực tế cho thấy rằng rủi ro do thuốc lá điện tử gây ra cho người dùng về cơ bản là ít hơn so với thuốc lá thông thường.
Tuy nhiên, một số nhà làm luật cũng như những nhà khoa học tại Hội thảo cũng khẳng định rằng cần có những bước đi thận trọng và nghiên cứu sâu hơn để quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới này hiệu quả hơn.
Cần có hành lang pháp lý cho thuốc lá điện tử
Đến nay tại một số nước trong đó có Việt Nam, việc thiếu một khung pháp lý quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã vô hình chung tạo điều kiện cho buôn lậu mặt hàng này phát triển. Không rõ nguồn gốc, đa phần nhập từ Trung Quốc với kiểu dáng bắt mắt, giá thành chỉ vài trăm thậm chí cho đến vài chục ngàn, các sản phẩm lậu này được quảng cáo bày bán trên mạng, làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, sự xuất hiện của mặt hàng này có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.
Tại Tọa đàm về Khung pháp lý cho Thuốc lá Thế hệ mới ngày 11/11/2020 tại Hà Nội, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, theo như ước tính của WHO thì đến 2025 vẫn có hơn khoảng 1 tỷ người sử dụng thuốc lá điếu trên toàn cầu và các chuyên gia cho rằng việc cấm là không khả thi, vì nếu cấm lại tạo thêm cơ hội cho các nguồn hàng lậu, bất hợp pháp, các sản phẩm rẻ tiền tồn tại sẽ mang lại nhiều rủi ro cho quốc gia và nhiều nguy cơ cho sức khỏe hơn. Do đó, việc cấm là việc cần hết sức cân nhắc và xem xét.
Theo bà Thủy, Luật Đầu tư 2020 có quy định có 08 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong số này không có ngành nghề kinh doanh thuốc lá. Do đó đối với sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng ta sẽ đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chắc chắn sẽ được quản lý một cách nghiêm ngặt.
“Để kiểm soát tác hại của thuốc lá trên thế giới thì WHO hoặc một số cơ quan như Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã đưa ra một loạt các quy định hướng dẫn quản lý, ví dụ như khuyến cáo về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, những quy định ngăn ngừa khả năng tiếp cận sớm của giới trẻ đối với thuốc lá…” - bà Thủy nhấn mạnh.
Vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc ban hành những giải pháp triệt để và hiệu quả để đối phó với thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, đã đến lúc các cơ quan, các nhà quản lý nghiên cứu xây dựng ban hành chính sách quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc xây dựng khung pháp lý cần được thực hiện một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, đo lường tác động rủi ro đối với sức khỏe và tham khảo kinh nghiệm các nước có nền y tế và khoa học phát triển như Anh, New Zealand, Nhật Bản.
Ông Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm và Chính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM: Quan điểm của Bộ Y tế là trên cơ sở vì lợi ích sức khỏe của chính người dùng và cộng đồng. Tuy nhiên tôi nghĩ, nên tiếp cận vấn đề toàn diện hơn, tập trung vào những điều chúng ta có thể làm chứ không phải cái chúng ta mong muốn. Chúng ta ai cũng biết thuốc lá không có lợi cho sức khỏe của con người, nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy đây là một nhu cầu của người trưởng thành, nó sẽ luôn tồn tại, và khó có thể biến mất. Đã có cầu chắc chắn sẽ có cung và nếu chặn đứng nguồn cung chính thức, hợp pháp trong nước, người tiêu dùng sẽ tìm đến các nguồn cung bất hợp pháp. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận biện pháp phòng chống thuốc lá lậu thế hệ mới hiệu quả nhất, chứ không phải là cấm. Khi nguồn cung hợp pháp đó được đảm bảo, hàng lậu sẽ giảm, như vậy Nhà nước vừa không thất thu ngân sách vừa đỡ vất vả trong việc chống hàng lậu. Người tiêu dùng nếu vẫn chọn hút thuốc thì ít nhất là cũng được tiếp cận các sản phẩm được sản xuất hợp pháp, thông tin minh bạch rõ ràng về thành phần và các nguy cơ rủi ro, được kiểm soát về chất lượng, độ an toàn như nồng độ tar, nicotine…
Có thể bạn quan tâm