"Thuốc tăng lực" chưa đủ mạnh với hàng không Việt (Bài 2)

Diendandoanhnghiep.vn Đề xuất giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không của ACV và Bộ GTVT được lãnh đạo hãng hàng không và chuyên gia đánh giá "gọi là có", không đáng gì so với thiệt hại mà đại dịch gây ra.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết Thị trường phủ mây đen, hàng không Việt "điêu đứng" (Bài 1) về việc ảnh hưởng nặng nề của các hãng hàng không trước đại dịch COVID-19 và sự vào cuộc hỗ trợ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, nhìn vào mức phí “giảm cho có” của ACV và đề xuất "cầm chừng" của Bộ GTVT khiến các hãng hàng không Việt Nam chỉ có thể “cười ra nước mắt”.

Hỗ trợ kiểu "hình thức" và đối phó?

ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không là những đơn vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước mà các hãng bay phải nộp phí dịch vụ hàng không.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đã gửi Bộ KH&ĐT văn bản thống kê thiệt hại sơ bộ ban đầu của các hãng hàng không nội địa là khoảng 30.000 tỷ đồng. Con số thiệt hại này có thể còn tăng lên khi hàng loạt đường bay bị cắt giảm, hành khách di chuyển bằng đường không giảm sút nghiêm trọng, số tàu bay “đắp chiếu” lên tới hơn 100 tàu. Không chỉ vậy, các hãng hàng không Việt còn thiệt hại về chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ cũng như chi phí vệ sinh phòng dịch.

ACV đã giảm phí dịch vụ bay nhưng vẫn không được dư luận đồng tình.

ACV đã giảm phí dịch vụ bay nhưng vẫn không được dư luận đồng tình.

Tính chung, một chiếc tàu bay đang phải “chở” hơn 20 loại phí, chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm... Ước tính sơ bộ tổng chi phí dịch vụ mà các hãng hàng không phải trả hàng năm lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

COVID-19 đã khiến các hãng hàng không Việt đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất lịch sử, đối diện nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào.

Ngay từ đầu tháng 2, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh, thế nhưng mãi đến tháng 3 thì ACV mới giảm giá nhằm “chia sẻ khó khăn cùng với các hãng hàng không”.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không, ngày 20/3, ACV cho biết sẽ giảm giá 7 loại dịch vụ nhằm “chia sẻ, đồng hành” với các doanh nghiệp trong “cơn bão COVID-19”. Thời gian miễn, giảm giá 7 dịch vụ nói trên là 6 tháng kể từ 1/3 đến hết tháng 8/2020.

Những tưởng đây là “cái phao” ném xuống biển lạnh. Nhưng hóa ra, gánh nặng thật sự lại không được gỡ bỏ khi các doanh nghiệp đồng loạt cho rằng họ được lợi không đáng kể từ việc ACV giảm giá 7 loại dịch vụ này vì cái cần giảm thì lại giảm “nhỏ giọt”.

Đại diện các hãng hàng không tỏ ra thất vọng với quyết định của ACV vì hỗ trợ như vậy chỉ mang tính hình thức. ACV đang có quyền tự quyết hàng chục loại phí dịch vụ hàng không. Điều các hãng cần là ACV trợ giúp những khoản đáng kể.

Cụ thể, ACV giảm 50% phí dẫn tàu bay - loại phí này thấp, hơn nữa không có ý nghĩa gì với các hãng hàng không, vì phần lớn máy bay đang “nằm đắp chiếu” và không phải hãng nào cũng sử dụng dịch vụ này.

Về “chính sách miễn 100% dịch vụ thuê văn phòng đại diện” mà ACV đưa ra thì lại là đương nhiên vì hầu hết hoạt động của các văn phòng đại diện mà doanh nghiệp thuê của ACV đều đã đóng cửa.

Các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất chiếm đáng kể trong chi phí của hãng lại chỉ được giảm 10%. Mức hỗ trợ này quá thấp và trong lúc ít hoặc không có khách bay thì cũng không có tác động đáng kể đối với các hãng.

Loại phí cuối cùng là thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện cũng chỉ được ACV giảm 30%. Đại dịch kéo dài, hãng bay sử dụng không nhiều diện tích đang thuê của ACV ở nhà ga nên mức hỗ trợ của ACV chỉ như “cho có”.

Trong khi đó, những dịch vụ cần hỗ trợ thì ACV không hỗ trợ, như dịch vụ đỗ máy bay ở sân bay, dịch vụ thiết bị đầu cuối (cute)… Hiện ACV thu phí dịch vụ sân đỗ 32.000 đồng/tấn/ngày, trọng lượng máy bay từ 77 - 200 tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay. Bốn hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo, Jesta Pacific có 220 máy bay, trừ những chiếc đỗ ở sân bay căn cứ (được giảm 50% phí đỗ) thì mỗi ngày các hãng bay phải chi khoảng 400 triệu đồng phí đỗ máy bay, mỗi tháng 12 tỷ đồng.

Mỗi tháng mỗi hãng cũng đang phải trả hàng chục tỷ đồng phí thiết bị đầu cuối nhưng ACV không miễn giảm phí này. ACV cũng không giảm phí thuê quầy làm thủ tục ở các ga hàng không (khoảng 38 triệu đồng/quầy/tháng)…

Đặc biệt, tuyệt đại đa số máy bay đã nằm sân, các hãng không còn nguồn thu, trong khi vẫn phải chi nhiều khoản lớn, điều mà các hãng mong mỏi là được chậm thanh toán phí dịch vụ cũng không được ACV cứu xét.

Hay nói một cách chính xác thì việc giảm 7 loại dịch vụ của ACV thực chất không có nhiều tác dụng tích cực với các hãng hàng không khi mà những khoản phí tốn kém kể trên ACV không giảm hoặc không có đề xuất miễn giảm.

Cần nhắc lại là, vì chi phí hãng hàng không rất lớn, vốn vay nhiều, nên biên độ lợi nhuận gộp của các hãng chỉ khoảng 10%/năm (mặc dù doanh thu mỗi năm có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng). Ngược lại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có biên độ lợi nhuận cao gấp 5 - 7 lần hãng bay. Như ACV, năm 2019 đạt doanh thu 18.200 tỷ đồng, lãi trước thuế 10.200 tỷ đồng.

TS. Lương Hoài Nam, người có 30 năm làm trong ngành hàng không, cho rằng: Chính vì các dịch vụ và phí tạo nên siêu lợi nhuận bất hợp lý như hiện nay, nên các hãng hàng không đề nghị miễn giảm phí là có cơ sở, dễ thực hiện. “Chỉ cần ACV giảm bớt lãi là hỗ trợ được ngay các hãng hàng không - khách hàng và cũng để nuôi dưỡng nguồn thu chính của các cảng”, ông nói.

Chính Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng vạch rõ ACV giảm giá dịch vụ kiểu hình thức và đối phó. 

PGS.TS phân tích: “ACV thu nhiều loại phí dịch vụ, nhiều khoản trong đó rất cao thì không chịu giảm. Trong bối cảnh hãng hàng không đang tím tái, những phí nào thuộc thẩm quyền, ACV phải nhanh chóng giảm tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Theo ông Long, ACV thực chất không muốn giảm nguồn thu của mình mà chỉ nhằm đối phó với chỉ đạo của Chính phủ: “Tôi cho rằng ACV cần ngay lập tức giảm các loại phí dịch vụ đậu tàu bay, dịch vụ đầu cuối… đó mới là cái liên quan sát sườn đến hãng hàng không”.

Với các phí dịch vụ khác như điều hành bay, cất cánh… ông Long cho rằng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cần hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không bằng cách cho chậm thanh toán và giảm giá.

Giải cứu cần kịp thời và thực chất

Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy từ cuối tháng 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Theo ước tính, thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, con số này tăng mạnh so với những ước tính trước đó: khoảng 10.000 tỷ đồng hồi đầu tháng 2 và 25.000 tỷ đồng cuối tháng 2.

Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hai kịch bản, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, tổng khách của thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15% so với năm 2019. Trường hợp xấu hơn, quý II mới kiểm soát được dịch bệnh, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so với 2019. Với kịch bản nào, doanh nghiệp vận tải hàng không cũng đều thiệt hại ghê gớm.

Nói về mức hỗ trợ do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất lên Chính phủ PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng có 2 vấn đề đáng buồn trong việc hỗ trợ ngành hàng không: “Thứ nhất là mức hỗ trợ thấp. Có cảm giác Bộ Giao thông - Vận tải rón rén đề xuất vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và vừa đề xuất vừa thăm dò Chính phủ. Trong khi đó chính Bộ này phải là nơi nắm rất rõ thiệt hại ghê gớm của các hãng hàng không ra sao. Thứ hai là tiến độ hỗ trợ rất chậm. Theo tôi biết, đến nay, giải pháp hỗ trợ ngành hàng không vẫn còn ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa đặt lên bàn của Thủ tướng”.

Trong khi đó theo ông Long, ngay khi dịch bùng phát, hàng loạt quốc gia như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đã tung gói hỗ trợ hàng không. Mới đây, khi dịch bùng phát tại Mỹ, Tổng thống nước này đã quyết định hỗ trợ ngay 100 tỷ USD cho ngành hàng không Hoa Kỳ.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng kịch bản xấu nhất xảy ra là dịch COVID-19 kéo dài, các hãng bay sẽ bị đẩy đến bờ vực phá sản nếu không được tiếp sức: “Thiệt hại là cực lớn. Doanh nghiệp sẽ không đủ sức chống chọi nếu không được hỗ trợ kịp thời”.

Tuy vậy, theo ông Long, đáng lo ngại nhất là hiện nay các giải pháp đưa ra đang quá chậm. “Từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã có chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đây được coi là cứu thoát cho doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay. Nhưng nhiều Bộ phản ứng quá chậm. Bộ Giao thông Vận tải cũng mới có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng cho phép giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay với các chuyến nội địa…”, ông Long nói.

Trước đó, các hãng bay đã đề xuất các phương án và mức hỗ trợ tối thiểu để giúp họ có thể “sống sót” qua cơn bão Covid-19 như giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay đến, bay đi ít nhất trong khoảng thời gian từ 23.1 - 31.12.2020 và gia hạn thanh toán lên 90 ngày; miễn chi phí bãi đỗ trong năm 2020; miễn thuế sân bay cho các hãng nội địa và giảm 50% cho các hãng bay quốc tế nhằm thu hút khách quốc tế và kích cầu nội địa. Đối với dịch vụ phục vụ mặt đất tại các cảng nhóm A và B không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 53, các hãng bay cũng mong muốn được miễn giảm 50% chi phí trong cùng khung thời gian như trên.

“Nếu đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc, chỉ trong 2 - 3 ngày là Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất Chính phủ quyết, duyệt hỗ trợ nói trên. Nếu Bộ Tài chính khẩn trương thì với việc miễn, giảm thuế cũng chỉ cần 1 tuần đề Chính phủ trình sang Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Long nói.

Bày tỏ thất vọng về cách hỗ trợ hiện nay, ông Long nhận định: “Có vẻ như các bộ chưa thấm thía tính cấp bách của việc giải cứu doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid”. Vì vậy, các bộ vẫn hỗ trợ theo quy trình thông thường, chứ không phải giải cứu.

Không những thế, chuyên gia tài chính kinh tế này cho rằng các mức hỗ trợ mà Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chưa đánh giá hết thiệt hại mà các hãng đang gồng mình gánh chịu. “Bộ Giao thông vận tải là nơi nắm rất rõ thiệt hại ghê gớm của các hãng hàng không. Nhưng những giải pháp Bộ đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lại rón rén, cầm chừng, nhiều nội dung thiếu thực chất”, ông Long nhìn nhận.

Ngoài Bộ Giao thông Vận tải, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính cần khẩn trương trình văn bản miễn giảm thuế, phí để cấp cứu kịp thời doanh nghiệp hàng không – vốn là nguồn thu ngân sách, là mũi nhọn, là bệ đỡ cho nền kinh tế.

Diễn đàn doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Thuốc tăng lực" chưa đủ mạnh với hàng không Việt (Bài 2) tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714042853 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714042853 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10