Quyết định gặp gỡ chính thức Tổng thống Nga trong một Hội nghị thượng đỉnh ngay sau bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ là đòn rất cao tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nửa nhiệm kỳ ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ, Donald Trump để lại dấu ấn đậm đà. Dễ thấy nhất là liên tục bác bỏ di sản của những người tiền nhiệm.
Năm 2016, khi vừa đắc cử, ông Trump đã dỡ bỏ chương trình chăm sóc y tế cho người dân có tên “Obama Care”, gần đây người đứng đầu Nhà trắng tiếp tục rút khỏi cam kết hạt nhân với Iran, Nga.
Theo các nhà sử học, chuyến công du náo loạn của ông Trump đến châu Âu đã phá bỏ những quy ước của các nhà lãnh đạo Mỹ trên trường quốc tế, bằng những phát biểu tiền hậu bất nhất.
Thời của Trump, nước Mỹ trở nên mạnh mẽ vì những quyết sách táo bạo, đả động đến tất cả thành trì - dường như được xây dựng vững chắc nhất, kể cả khối quân sự NATO, Ttổ chức thương mại thế giới (WTO), hàng loạt hiệp định thương mại đa phương đều có thể bị đình trệ.
Có thể bạn quan tâm
13:40, 28/06/2018
06:30, 17/07/2018
Ứng xử với các đối trọng, Washington luôn cho thấy “nước Mỹ trên hết”, liên tục căng thẳng với Nga, Trung Quốc, thậm chí cả với đồng minh lâu năm cũng không thể “miễn nhiễm”.
Với Trung Quốc, Mỹ tỏ thái độ rõ ràng rành mạch, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của cường quốc châu Á bằng “Vành đai và Con đường” - chính sách liên lục địa đe dọa đến lợi ích của Mỹ.
Với Moscow, luôn để lại trong tiềm thức của người Mỹ về quá khứ ngoại giao đen tối, Nga không cạnh tranh kinh tế với Mỹ bằng Trung Quốc nhưng là một thế lực khiến các đời Tổng thống Mỹ không thể rời mắt.
Ở châu Á- Thái Bình Dương, nhiều thập kỷ qua, Nga vẫn là bài toán khó với Mỹ nếu muốn xoay trục; ở Trung Đông, ông Putin cam kết hết lòng bảo vệ Syria, là hòn đá tảng ngăn chặn âm mưu đằng sau chiếc áo choàng chống khủng bố của Washington.
Trực tiếp hơn, giới chức hai bên liên tục công kích cáo buộc lẫn nhau về những vụ việc lẻ tẻ, rất khó biết động cơ của các bên trong những vụ việc ấy là gì, song không thể nói rằng mối bang giao Nga - Mỹ đã đến đoạn cuối con đường hầm thiếu ánh sáng.
Vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ là sự kiện chính trị lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu, bất kỳ một cam kết hay bất đồng nào của nhị vị Tổng thống đều tác động đến các nước nhỏ, nhất là những nơi nhạy cảm như Biển Đông, Tây Á.
Tháng 11 này, Trump và Putin dự kiến sẽ gặp nhau ở Paris trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai trong năm nay. Nếu không có gì đổi thay, đây là hoạt động khẳng định vị thế đầy sức nặng đầu tiên của cá nhân Tổng thống Trump ở nửa sau của nhiệm kỳ.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới, là sự kiện có thể quyết định đến chiếc ghế Tổng thống - nếu như đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Ông Trump đang bị cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử hồi năm 2016. Điều này có thể đem lại điều tội tệ nhất cho Trump.
Vì vậy, động thái ấn định gặp gỡ chính thức Tổng thống Nga ngay sau bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ là đòn “tiên phát chế nhân” rất cao tay của Trump. Động thái này gửi thông điệp đến phe đối lập rằng, sau bầu cử, Donald Trump vẫn là Tổng thống Mỹ, vẫn là nguyên thủ quốc gia, thay mặt cho 325,7 triệu người dân “nói chuyện” với người đồng cấp Putin!
Những gì diễn ra từ tháng 7/2018 đến nay đã cho thấy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga lần thứ nhất ở Helsilki (Phần Lan) ngày 16/7 không có kết quả nào cụ thể. Hai bên vẫn mắc mớ trong hàng loạt cáo buộc, mới đây nhất là Trump rút khỏi Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung do hai người tiền nhiệm là Regan và Gorbachev thỏa thuận cách đây 3 thập kỷ.
Hội nghị thượng đỉnh lần này cơ hội để hai bên tháo gỡ rắc rối, liên quan đến bầu cử hồi năm 2016 ở Mỹ, hợp tác chống khủng bố và thu xếp đống mâu thuẫn chồng chất ở Syria.
Lùm xùm liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là vấn đề quan trọng nhất với Trump lúc này, nếu không đủ bằng chứng buộc tội Moscow, Nhà trắng khó “ăn nói” với dân chúng và những câu hỏi của các Nghị sỹ. Nhưng nếu quyết khơi lại chuyện này, Washington có thể làm hỏng Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.