Ngoài việc thúc đẩy doanh số bán hàng, có vẻ như chính phủ Ả Rập Xê Út đang cần thêm tiền cho kế hoạch “Tầm nhìn 2030” khi xác nhận đàm phán bán cổ phần trong công ty hàng đầu của họ, Saudi Aramco.
Mới tuần trước, các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới đưa tin rầm rộ về việc chính phủ Ả Rập Xê Út đang xem xét khả năng bán 1% cổ phần của công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Aramco cho một nhà đầu tư nước ngoài lớn, có thể là đến từ Trung Quốc. Cổ phần có trị giá khoảng 19 tỷ USD dựa trên giá trị thị trường của Aramco. Tuy vậy, mọi việc mới dừng ở mức độ thăm dò.
Nhưng giờ đây, đã có một số nguồn tin xác nhận điều đó từ các ngân hàng và các lãnh đạo ngành dầu mỏ.
"Hiện đang có một cuộc thảo luận về việc mua lại 1% cổ phần của Aramco bởi một nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng", Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Xê Út, cho biết trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hiếm hoi được phát sóng trên truyền thông nhà nước Ả Rập Xê Út. “Đây sẽ là một thỏa thuận rất quan trọng để thúc đẩy doanh số bán hàng của Aramco tại một quốc gia rất lớn,” ông nói thêm.
Trên thực tế, Ả Rập Xê Út đã bán khoảng 1,7% cổ phần của Aramco vào năm 2019 trong đợt IPO lớn nhất trong lịch sử, thu về 29,4 tỷ USD để giúp tài trợ cho kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Thái tử nhằm loại bỏ sự phụ thuộc của vương quốc này vào dầu mỏ và phát triển các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Thời điểm đó, Aramco có trị giá khoảng 1,7 nghìn tỷ USD.
Nhưng do việc tư nhân hóa một phần trên sàn giao dịch chứng khoán Riyadh chủ yếu dựa vào các nhà đầu tư trong nước và khu vực, có nghĩa là khiến Aramco huy động được ít hơn nhiều so với con số 100 tỷ USD dự kiến ban đầu. Vì vậy, chính phủ Ả Rập Xê Út muốn bán thêm cổ phần cho một nhà đầu tư nước ngoài để có thể giúp huy động thêm tiền cho kế hoạch Tầm nhìn 2030 của bin Salman.
Tuy nhiên, việc các công ty dầu mỏ ở Mỹ và đặc biệt là ở châu Âu đang cố gắng chuyển hướng khỏi dầu mỏ và đã công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch. Các nhà đầu tư tổ chức lớn cũng đang cố gắng phi cacbon hóa danh mục đầu tư của họ. Điều này khiến Aramco chưa tìm thấy khách hàng tiềm năng ở phương Tây.
Bên cạnh đó, sự gia tăng khả năng sản xuất dầu đá phiến trong những năm gần đây khiến nước Mỹ cũng có mức độ độc lập về năng lượng cao hơn và ít nhiều không muốn tham gia sâu vào Trung Đông.
Một số chuyên gia phân tích đã nhận định rằng, việc bán cổ phần chiến lược trong một công ty chủ chốt như vậy ở Ả Rập Xê-út cho một thực thể Trung Quốc, có thể sẽ đánh dấu sự chuyển dịch quyền lực quyết định ở Trung Đông sang Trung Quốc và tách khỏi Mỹ, phá vỡ thêm thỏa thuận quan hệ cốt lõi vốn đã căng thẳng năm 1945 giữa Washington và Riyadh.
Điều quan trọng là trong bối cảnh này, việc bán một cổ phần đáng kể trong Aramco cho Trung Quốc không phải là một ý tưởng mới mà là một ý tưởng đã được các cấp cao của Ả Rập Xê Út xem xét một cách nghiêm túc từ năm 2017, trước cả đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Aramco.
Đã từ lâu, một số vấn đề lớn đã bắt đầu nảy sinh khi niêm yết Aramco ở Mỹ, bao gồm mâu thuẫn giữa Washington và Riyadh ngày càng tăng về “những lời nói dối từ Ả Rập Xê Út về trữ lượng dầu, công suất dự phòng, thuế suất, nhượng quyền và các hoạt động phi cacbon hóa, cộng với các mối liên hệ được nhận thức của Saudi Arabia với vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ. Thêm vào đó, phía Ả Rập Xê Út cũng cho rằng, đã có những định kiến không công bằng của phương Tây đối với thực tiễn kinh doanh của Ả Rập Xê Út.
Nhưng trên tất cả, có vẻ như sự việc đã nảy sinh vấn đề khi Bắc Kinh tìm mọi cách “chọc gậy bánh xe” cùng ràng buộc sự hỗ trợ của mình khi chấp nhận đồng Nhân dân tệ (RMB) để thanh toán cho nguồn cung dầu thô.
Mehrdad Emadi, người đứng đầu công ty phân tích rủi ro toàn cầu, Betamatrix, ở London, cho rằng: “Phần lớn các khoản vay của chính phủ Ả Rập Xê Út trong vài năm trước được tính bằng đô la Mỹ, vì vậy việc chuyển đổi khỏi nguồn tài trợ bằng đô la sẽ cho phép Ả Rập Xê Út linh hoạt hơn trong cơ cấu tài chính tổng thể của mình”.
Còn mới đây, Thái tử Mohammed lại “lấp lửng” khi cho rằng Riyadh đang tăng cường mối quan hệ cả với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, mặc dù Mỹ vẫn là đối tác chiến lược. “Trung Quốc nói Ả Rập Xê-út là một đối tác chiến lược, Ấn Độ nói Ả Rập Xê-út là một đối tác chiến lược và Nga cũng nói như vậy”. Tất nhiên, điều này đã khiến Mỹ tức giận khi nhận thấy, dường như Ả Rập Xê Út đang thể hiện thái độ “hai mang”.
Và có vẻ như thương vụ mua lại cổ phần của Saudi Aramco đã nằm trong sự tính toán chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh…
Có thể bạn quan tâm