Tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) người dân có thể dễ dàng mua được đất rừng phòng hộ để sử dụng vào mục đích xây mồ mả.
Nhiều người dân tại Thủy Sơn, Thủy Đường, Đông Sơn… cho biết, việc mua bán đất rừng phòng hộ để xây dựng mồ mả đã diễn ra từ nhiều năm nay. Những giao dịch mua bán được thực hiện bằng giấy viết tay và không có bất cứ giấy tờ nào khác.
Hàng chục ha rừng bị san lấp
Anh P. Đ. S, xã Thủy Sơn cho biết, gia đình anh được chính quyền giao 2 mảnh đất rừng tại núi Sơn Đào, khoảng gần 1.000m2 để trồng cây. Ban đầu gia đình cũng tiến hành trồng cây keo tượng nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, thấy xung quanh, hàng xóm thi nhau san lấp để bán cho người có nhu cầu xây dựng mồ mả, gia đình anh cũng tiến hành san lấp để bán. Giá bán là từ 1 - 5 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Anh này còn khẳng định, ở đây nhà nào có đất rừng cũng bán, chính quyền có biết nhưng cũng khó giải quyết vì vấn đề tâm linh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Huy – Chủ tịch UBND xã Thủy Đường thừa nhận, có việc người dân tự ý mua bán chuyển nhượng đất rừng để xây dựng mồ mả. Với những trường hợp đó xã đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu dừng xây dựng.
"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã lập biên bản và xử lý 5 trường hợp và không để phát sinh mới những khu vực chôn cất, mồ mả. Tuy nhiên, chính quyền cũng rất đau đầu để xử lý vì đây là vấn đề tâm linh. Thậm chí đã có nhiều trường hợp chính quyền va chạm với người dân vì ngăn chặn việc chôn cất trái phép. Nguyên nhân cũng do xã chưa quy hoạch xong nghĩa trang mộ tròn (cát táng) nên người dân địa phương mới tự ý chôn cất người nhà trên núi" – ông Huy cho biết thêm.
Người dân địa phương mới tự ý chôn cất người nhà trên núi
Không riêng gì xã Thủy Đường, tại các xã lân cận: Hòa Bình, Thủy Sơn, Đông Sơn… việc mua bán đất rừng vẫn diễn ra công khai. Theo quan sát, tại khu vực núi Sơn Đào (thuộc các xã Đông Sơn, Thủy Đường, Thủy Sơn…) hiện có hàng chục ngôi mộ mọc lên, một số diện tích giữa rừng đã được xây dựng nền móng để đánh dấu.
Được biết, đất rừng tại khu vực núi Sơn Đào, hiện được giao cho Hạt kiểm lâm huyện Thủy Nguyên quản lý hơn 200ha. Từ khi giao đất cho các hộ dân trồng rừng, chưa một lần cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra rà soát lại xem thực tế hộ nào còn trồng, hộ nào không trồng.
Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng cho biết, đối với hành vi phá rừng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 157/2013/NĐ-CP tùy thuộc vào loại rừng và diện tích rừng bị thiệt hại.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 157/2013/NĐ-CP: Người có hành vi chặt phá cây rừng, đào bới, san ủi, nổ mìn, đào, đắp ngăn nước, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 12 của Nghị định này) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng không thực hiện đúng quy định cho phép bị xử phạt từ 300 nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy diện tích và loại rừng. Buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
"Đồng thời, theo Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quy định, tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường. Từ những quy định này cho thấy việc tự do mua bán đất rừng phòng hộ để sử dụng xây dựng mồ mả tại Thủy Nguyên là trái với quy định của pháp luật" – Luật sư Thuận cho biết thêm.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm