Thụy Sỹ xây dựng dự án hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Diendandoanhnghiep.vn Với mục tiêu góp phần đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững và toàn diện hơn, Thụy Sỹ hiện đang triển khai xây dựng dự án hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.

>>> Xúc tiến du lịch charter Việt Nam – Fukushima

>>> Nới lỏng chính sách thị thực: “Cú hích” cho ngành du lịch Việt

Cùng ngành du lịch phát triển bền vững

Với mong muốn góp phần xây dựng ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn ở Việt Nam thông qua thúc đẩy đối thoại công tư về chính sách du lịch, phát triển kỹ năng điều hành và kinh doanh du lịch bền vững, Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã triển khai “Dự án Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD)”. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023- 2027.

Hà Giang hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách

Hà Giang hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Kenneth Wood – Giám đốc dự án ST4SD cho biết: “Điều quan trọng nhất để Việt Nam được lựa chọn triển khai dự án vì Việt Nam và Thuỵ Sỹ có rất nhiều điểm chung về du lịch. Ví dụ 2 quốc gia có rất nhiều cảnh đẹp ở những miền sơn cước, cũng như là có rất nhiều ngôi làng ở vùng sơn cước như vậy. Và Thuỵ Sỹ là một quốc gia nổi tiếng về phát triển du lịch bền vững, du lịch về cộng đồng”.

Cũng theo ông Kenneth Wood, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển du lịch bền vững. Đó là sự quan tâm rất sát sao của lãnh đạo cấp quốc gia về phát triển du lịch. Ngoài ra còn sự tham gia của các công ty du lịch tư nhân, đây là yếu tố rất tốt cho phát triển du lịch. Dự án ST4SD sẽ có 3 hợp phần. Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động cấp quốc gia về phát triển du lịch; hỗ trợ về mảng đào tạo các kỹ năng về du lịch, khách sạn; phối hợp với các tỉnh, thành để phát triển du lịch.

>>> Phát triển Quảng Bình thành trung tâm du lịch lớn ở khu vực Đông Nam Á

Thực tế, du lịch là ngành công nghiệp không khói và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Theo ông Đỗ Quang Huy – Cục kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ, Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Việt Nam cho biết: “Đối với Việt Nam, đến thời điểm này phát triển du lịch bền vững không còn là một lựa chọn mà là sự cần thiết. Và chúng tôi cũng mong muốn rằng, chúng ta sẽ tạo nên một ngành du lịch Việt Nam phát triển theo hướng mỗi du khách, mỗi đối tác trong ngành du lịch sẽ truyền cảm hứng, tạo ra động lực để có thể bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, để lại những dấu chân không phải là dấu chân về Cacbon, mà là những dấu chân về bài học, giải pháp liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, các yếu tố văn hoá bản địa, xã hội”.

Hoạt động biểu diễn tại Làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Tuấn Vỹ)

Hoạt động biểu diễn tại Làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Tuấn Vỹ)

Cũng theo ông Huy, dự án ST4SD là sự khởi đầu báo hiệu cho việc phối hợp chặt chẽ giữa khối công và tư, đưa ngành du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững.

Gợi mở các phương án

Trong khuôn khổ dự án ST4SD, Helvetas Việt Nam cùng với Trung tâm Phát triển Kinh tế nông thôn (CRED) với tư cách là các đơn vị được giao triển khai thực hiện dự án đang phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng văn kiện dự án trình lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phê duyệt. Để hoàn thiện văn kiện dự án, mới đây, Helvetas Việt Nam và CRED đã tổ chức cuộc họp tham vấn xin ý kiến các chuyên gia, các bên liên quan về nội dung này.

Ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi thấy rằng, sự phối hợp giữa các bên đi vào chiều sâu là vô cùng quan trọng. Rất mong các chuyên gia có ý kiến để du lịch các địa phương phát huy được tiềm năng về tài nguyên, con người; đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương, mang lại lợi ích cho người dân, hướng đến phát triển bền vững”.

Cuộc họp tham vấn xin ý kiến các chuyên gia, các bên liên quan về nội dung văn kiện dự án ST4SD

Cuộc họp tham vấn xin ý kiến các chuyên gia, các bên liên quan về nội dung văn kiện dự án ST4SD

Theo các chuyên gia nhận định, trong nhiều năm liền, Thuỵ Sỹ là quốc gia quán quân, chiếm vị trí đầu bảng trong bảng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. Việc triển khai dự án ST4SD sẽ giúp truyền tải những kinh nghiệm của Thuỵ Sỹ giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Để dự án ST4SD triển khai có hiệu quả, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đề xuất một số ý tưởng xây dựng chính sách du lịch bền vững tại Việt Nam. Trong đó, đề xuất xây dựng cơ chế đối thoại công – tư trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam; xây dựng được mô hình và cơ chế đối thoại công – tư trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam gồm: Tổ chức quản lý điểm đến – DMO; tổ chức Diễn đàn Du lịch bền vững Việt Nam (VSTF) hai năm một lần…

“Về Marketing du lịch cần làm nổi bật các tiêu chí bền vững, xây dựng website giới thiệu các sáng kiến du lịch bền vững ở Việt Nam; giáo dục, truyền thông tới du khách về tầm quan trọng của du lịch bền vững; hợp tác với các tổ chức có chung quan điểm. Về việc phát triển Bộ chỉ số phát triển du lịch (VTDI) tại Việt Nam, cần cân nhắc việc xây dựng bộ chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh; có thể xây dựng bộ chỉ số phát triển du lịch và tính bền vững tại các điểm đến du lịch, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ và tính bền vững tại các khu du lịch (cấp quốc gia, cấp tỉnh), điểm du lịch; đồng thời xây dựng bộ chỉ số đánh giá tài nguyên du lịch hoặc sức hấp dẫn của điểm đến…”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Khung cảnh bình dị tại Hà Giang (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Khung cảnh bình yên tại Hà Giang (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Còn theo bà Đặng Thị Phương Anh – Giảng viên khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để du lịch phát triển bền vững thì cần chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Và để phát triển nguồn nhân lực cấp cao, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia, hướng đến sự phát triển toàn diện, Việt Nam rất cần thiết được xây dựng và phát triển Chương trình Đào tạo Du lịch, Khách sạn cho nhóm quản lý trung và cao cấp. Trong đó, cần sự dẫn dắt về chất lượng chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Thuỵ Sỹ; việc đào tạo phải thích ứng với nhu cầu thị trường liên tục thay đổi, đặc biệt sau COVID-19; nội dung chương trình đào tạo phải được địa phương hoá theo văn hoá và chất liệu bản địa.

Ông Đặng Xuân Sơn – Chủ tịch CLB có trách nhiệm Việt Nam, Đồng sáng lập Footprint Travel và Pù Luông Retreat cho rằng: “Các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn (trên 10 năm); xây dựng bộ chỉ tiêu về du lịch bền vững ngành du lịch Việt Nam; xác định thị trường trọng điểm; bảo tổn văn hoá, bảo vệ thiên nhiên tốt hơn; xây dựng môi trường du lịch sạch và xanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp về chính sách, vốn. Về phía các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn, đó là xác định mọi hoạt động du lịch phải có trách nhiệm; xác định thị trường cạnh tranh để tránh lặp lại; bám sát các tiêu chí, không quá tham vọng, không cầu toàn; làm mới các sản phẩm hiện tại và xây dựng các sản phẩm cần có chiều sâu, chạm tới 6 giác quan…”.

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Theo đại diện dự án ST4SD cho biết, trên cơ sở kết quả buổi họp, các thành viên dự án ST4SD tiếp tục phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam hoàn chỉnh nội dung dự thảo văn kiện dự án, dự kiến trình Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua vào đầu tháng 7/2023.

 

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thụy Sỹ xây dựng dự án hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam tại chuyên mục Du lịch của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714407326 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714407326 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10