Nhiều doanh nghiệp đang đưa công nghệ vào một số khâu của mảng bán lẻ, tạo ra sự cạnh tranh sôi động trên thị trường
Quy trình tiếp cận, thu mua… hàng hóa của các tiệm tạp hóa được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và bảo đảm chất lượng nguồn hàng.
Có thể bán các gói dịch vụ
VinShop - một ứng dụng (app) được cho là của Tập đoàn One Mount Group (công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup) - vừa xuất hiện trên kho ứng dụng App Store và CH Play của điện thoại di động với tham vọng số hóa khâu bán buôn từ nhà cung cấp đến các tiệm tạp hóa. Qua ứng dụng, các chủ cửa hàng có thể đặt hàng từ các thương hiệu và nhà cung cấp, tối ưu hiệu quả quản lý gian hàng và được hỗ trợ thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử VinID Pay.
Tuy Vingroup chưa chính thức xác nhận thông tin trên nhưng thị trường đánh giá động thái trên sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn hàng triệu tiệm tạp hóa trên cả nước. Từ đây, có thể kỳ vọng Việt Nam có hàng trăm ngàn tiệm tạp hóa được số hóa giống như các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia.
Không riêng Vingroup, ở phía Bắc, nhiều tiệm tạp hóa gia nhập dịch vụ quầy ki-ốt thông minh BT+ của Công ty CP đầu tư và Bán lẻ BT. Với dịch vụ này, khách hàng có thể chọn mua hàng hóa từ danh mục hiển thị trên ứng dụng BTplus và thanh toán bằng tiền mặt hoặc thông qua ví điện tử. Với mặt hàng có sẵn, khách sẽ được nhận hàng ngay; còn với mặt hàng không có sẵn, sau lệnh đặt mua của khách, chủ tiệm tạp hóa sẽ đặt mua sản phẩm từ nền tảng của BT+ và báo khách tới nhận hàng khi hàng được chuyển về. Thậm chí, kết nối với BT+, tiệm tạp hóa còn có thể bán các gói dịch vụ, du lịch, vé máy bay, vé tàu, chuyển tiền kiều hối, cho vay, bán bảo hiểm, thẻ trò chơi điện tử, thẻ điện thoại trả trước... Đại lý tại nông thôn được miễn phí tạo gian hàng bán nông sản, sản vật địa phương trên ứng dụng để cung cấp hàng hóa của khu vực ra cả nước. Chủ tiệm tạp hóa được hưởng lợi nhuận và hoa hồng khi bán hàng cho BT+; được hỗ trợ đặt mua sỉ để bổ sung kho hàng…
Đại diện Công ty TNHH Thủy Lâm Ngân cho biết sàn thương mại điện tử (TMĐT) Exocomets của công ty này đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, các tiệm tạp hóa kết nối với người mua với chi phí thấp nhất, giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa với giá thành tốt. Ngoài ra, Exocomets còn hỗ trợ DN bán lẻ về marketing, quảng cáo, cũng như các giải pháp kinh doanh hiệu quả.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà cung cấp chọn thời điểm này để ra mắt ứng dụng. Năm 2020, thị trường chứng kiến sự trỗi dậy của thanh toán điện tử, đặc biệt là thanh toán qua mã QR, bằng điện thoại thông minh. Cùng với hàng loạt app TMĐT, thanh toán điện tử ngày càng trở nên quen thuộc, người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen tận dụng tính tiện ích của công nghệ trong việc mua sắm. Sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường theo xu hướng công nghệ là "điểm rơi" quan trọng cho các tập đoàn, công ty công nghệ lấn sân để kết nối và đổi mới các mảng kinh doanh của mình.
Nhiều lợi ích cho bên mua hàng
Dù tăng trưởng TMĐT đang là xu hướng nhưng ở một số lĩnh vực, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy quy mô thị trường bán lẻ sẽ chạm ngưỡng 180 tỉ USD vào năm 2020. Kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng tới 80% nhu cầu tiêu dùng của người Việt với hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ. Một khảo sát của Nielsen cũng cho thấy có đến 9/10 người được hỏi cho biết họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng bách hóa với giá rẻ và lợi thế gần nhà. DN đã không bỏ qua "miếng bánh" này.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thừa nhận đưa công nghệ vào bán lẻ giúp giảm khâu trung gian, giảm chi phí không cần thiết, từ đó người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa giá rẻ hơn và đại lý được hưởng chiết khấu cao hơn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tiết giảm chi phí giao vận, khâu logistics phải được triển khai bài bản, nếu không thì ý nghĩa từ việc mua sỉ hàng hóa qua app không còn nhiều bởi logistics chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Nhiều DN lớn, nhất là DN nước ngoài, sở hữu luôn một DN về logistics hoặc sở hữu chéo một số công ty trong mảng này để sử dụng dịch vụ của nhau giúp giảm chi phí.
Về kiểm soát chất lượng hàng hóa tại tiệm tạp hóa, ông Đông đánh giá việc kết nối với các DN lớn, DN chính hãng qua app sẽ giúp tiệm tạp hóa tiếp cận được nguồn hàng chuẩn, tránh bị trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua hàng tại chợ đầu mối hoặc các mối buôn tư nhân. Tất nhiên, DN cung cấp ứng dụng cũng phải có trách nhiệm kết nối với đơn vị cung ứng hàng uy tín. "Bên cạnh khâu mua sỉ qua app, khi thị trường ngày càng quen thuộc với TMĐT, chúng tôi hy vọng ngày càng nhiều tiệm tạp hóa, đại lý… tham gia bán lẻ trực tuyến kết hợp với thanh toán điện tử. Đây sẽ là xu hướng thị trường trong tương lai với nhiều lợi ích cho bên mua hàng" - Vụ trưởng Trần Duy Đông nói thêm.
Ông Quách Thanh Thiện, chủ tiệm tạp hóa tại quận 6 (TP HCM), tỏ ra hào hứng trước thông tin có thể được hỗ trợ tìm kiếm nguồn hàng ổn định với giá tốt thông qua một app công nghệ. Theo ông Thiện, lâu nay, tiệm tạp hóa lấy hàng chủ yếu từ chợ đầu mối. Thỉnh thoảng có người của các nhãn hiệu hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… đến tiệm chào hàng với giá khá cạnh tranh nhưng hàng thường không đủ, giao hàng không thường xuyên, cố định.
Bà Ngô Mỹ Dung, chủ tiệm tạp hóa ở quận 2 (TP HCM), cho biết các tiệm tạp hóa thường chọn lấy hàng theo dạng gối đầu, tức giao hàng trước - thu tiền sau. Bà Dung bày tỏ mong muốn tiệm tạp hóa vừa tiếp cận được hàng giá tốt, tiện lợi vừa được hỗ trợ công nghệ để có thể mua theo hình thức gối đầu.