Tiền Giang: Bốn đột phá của Gò Công Đông

NAM TRANG 21/10/2020 17:01

huyện Gò Công Đôngđang đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Với tiềm năng lợi thế sẵn có, huyện Gò Công Đôngđang đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

   Lãnh đạo Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang và Công ty CP Đầu tư và   Xây dựng Tiền Giang kiểm tra tiến độ thi công Cụm công nghiệp Gia Thuận 1.

Lãnh đạo Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang kiểm tra tiến độ thi công Cụm công nghiệp Gia Thuận 1.

Theo báo cáo của UBND huyện Gò Công Đông, 9 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản của huyện 57.707 tấn, đạt gần 70% kế hoạch; Thu ngân sách đạt 58.453 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện đạt 2.258 tỷ đồng.

Phát huy kinh tế biển

Xác định nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những mục tiêu mũi nhọn trong kinh tế biển nên trong những năm gần đây, huyện Gò Công Đông đã chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Bên cạnh đó, Huyện thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt.

Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế biển, những năm gần đây Gò Công Đông cũng đã chú trọng, tập trung phát triển Khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp kinh tế vườn nhằm khai thác cảnh quan đặc trưng và khôi phục rừng ngập mặn ven biển; phát triển các sản phẩm du lịch tham quan sinh hoạt cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển, tham quan nghiên cứu lịch sử - văn hóa lễ hội, du lịch vui chơi, giải trí cuối tuần với điểm đặc trưng là du lịch sinh thái biển...

Đón nhà đầu tư

Đặc biệt, huyện đã tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút phát triển ngành công nghiệp có lợi thế như cảng biển, công nghiệp chế biến, cơ khí…; khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, Cụm Công nghiệp Gia Thuận 1 đã hoàn thiện hạ tầng sẽ thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; Khu công nghiệp dịch vụ Dầu khí Soài Rạp được thực hiện các thủ tục chuyển giao chủ đầu tư về tỉnh để chủ động triển khai, thu hút đầu tư; dự án Kho Cảng và Nhà máy lọc dầu Condensate của Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu đã được huyện bàn giao mặt bằng đầu tư vào năm 2020; khu vực xung quanh đường dẫn vào khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão hiện thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt có 3 nhà đầu tư đang đăng ký thực hiện dự án điện gió trong đất liền và trên mặt nước của 3 xã Tân Điền, Kiểng Phước, Tân Thành,…

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chúng tôi đang đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Huyện Gò Công Đông xác định 4 khâu đột phá trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là khai thác biển và khai thác lợi thế là vùng động lực của khu vực Gò Công; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát huy tiềm năng văn hóa, xã hội gắn với khai thác du lịch.”- ông Sơn chia sẻ.

Đạt chuẩn nông thôn mới

Huyện Gò Công Đông là huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, nằm giữa hai cửa sông: Cửa Soài Rạp và Cửa Tiểu, một mặt giáp biển Đông có bờ biển dài 28,2km. Giao thông vận tải đường thủy và đường bộ của huyện khá thuận lợi khi cách trung tâm tỉnh 41km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 58km. Đặc điểm địa lý này được xác định là lợi thế nổi bật đã tạo nên vị thế của huyện trong phát triển kinh tế biển, phát triển giao thông vận tải thuỷ - bộ kết nối ra biển, đưa huyện trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy giao thương hàng hóa trong và ngoài nước.

Trên cơ sở phát triển vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, huyện đã tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương.

Sau gần 10 năm (2011-2020) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Gò Công Đông có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; an ninh trật tự - xã hội được giữ vững ổn định. Nhờ vậy, huyện Gò Công Đông vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang: Bốn đột phá của Gò Công Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO