Tiền Giang có thêm quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư

Phan Nam 23/11/2018 10:47

Với việc tiếp quản và khai thác Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, trong những năm tới Tiền Giang sẽ mở ra nhiều dư địa phát triển, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư.

UBND tỉnh Tiền Giang đã chính thức tiếp quản và đang thực hiện các thủ tục để kêu gọi nhà đầu tư mới đầu tư vào KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp(huyện Gò Công Đông), sau khi Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) 'trao trả' dự án này về cho địa phương.

 Ông Lê Văn Hưởng. Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành bàn phương án khai thác KCN Dich vụ dầu khí Soài Rạp

Ông Lê Văn Hưởng. Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành bàn phương án khai thác KCN Dich vụ dầu khí Soài Rạp

Điều chỉnh phù hợp

Trước đó, tại công văn số 8655/VPCP-CN về việc chuyển giao dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ngày 11/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về việc chuyển giao dự án về cho địa phương quản lý, khai thác.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thu hồi đất KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp đúng quy định pháp luật về đất đai, đầu tư và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tức đồng ý về nguyên tắc việc chuyển giao nguyên trạng dự án cho tỉnh Tiền Giang để sử dụng theo đúng Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng.

Tổng diện tích dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp là khoảng 285 héc ta. Ban đầu dự án được xác định là nơi có vị trí thuận tiện trong việc phát triển nền kinh tế biển, đặc biệt cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, và cũng được xác định là địa điểm tập trung xây dựng các nhà máy chế tạo phục vụ cho ngành dầu khí như Nhà máy chế tạo ống thép dầu khí (PV Pipe), Nhà máy chế tạo bình bồn dầu khí, Nhà máy sản xuất kết cấu kim loại dầu khí, Nhà máy sản xuất que hàn dầu khí, Khu cảng dịch vụ tổng hợp...

  Từ đầu năm 2018 đến nay, Tiền Giang ước thu hút được 28 dự án đầu tư, tăng 12 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8.257 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ 2017.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về phương án khai thác KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp vào chiều 2/11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng yêu cầu Ban Quản lý các KCN xem lại quy hoạch KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp. Theo đó, Ban Quản lý các KCN xác định cần bao nhiêu nhà đầu tư, sản xuất ngành hàng gì tại KCN, từ đó đưa ra quy hoạch các phân khu chức năng.

Hiện tại, Ban Quản lý các KCN đang tìm đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về công nghiệp đưa ra ý tưởng khai thác KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp để báo cáo UBND tỉnh. Tỉnh tiền giang cũng đang xem xét lựa chọn nhà đầu tư, điều chỉnh lại dự án cho phù hợp với định hướng phát triển của địa phương trong thời điểm hiện nay.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trước mắt cần ưu tiên đầu tư điện, giao thông, nước cho KCN.

Trên thực tế, ven biển Gò Công Đông là điểm chia sẻ mang tính chiến lược cho cả Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi đặc điểm của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có ở ven biển huyện Gò Công Đông có thể cập tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở lên. Đây cũng sẽ là cơ hội để khu vực phía Đông của tỉnh có điều kiện cất cánh trong tương lai. Chủ trương khai thác lợi thế biển nhằm phát triển công nghiệp đã được tỉnh định hướng trong nhiều năm qua. Bằng chứng là KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp nằm trên địa bàn các xã Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông được ra đời từ năm 2008, do Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư.

Từ năm 2011, KCN do Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc, cho đến nay KCN này mới chỉ lấp đầy hơn 13% diện tích đất công nghiệp, với 1 dự án đầu tư (Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, có công suất 100.000 tấn/năm, với diện tích sử dụng gần 23 ha), vốn đầu tư đăng ký hơn 2.175 tỷ đồng.

Điểm đến của các nhà đầu tư

Với việc tiếp quản và đang thực hiện các thủ tục để kêu gọi nhà đầu tư mới, Tiền Giang sẽ tạo ra quỹ đất “sạch” lớn tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Nằm trong vành đai phát triển công nghiệp của các tỉnh phía Nam với hệ thống sông ngòi phong phú và chịu ảnh hưởng của các khu công nghiệp lân cận như: KCN Bến Lức, KCN Long An, KCN Tân Hương, khu căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu. KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp sẽ là địa điểm đầu tư mang lại lợi ích bền vững cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

p/Bàn giao dự án KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp

Bàn giao dự án KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp

Nhìn rộng hơn, thu hút đầu tư, kể cả vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào địa bàn Tiền Giang trong năm 2018 đã có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng tích cực.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Tiền Giang ước thu hút được 28 dự án đầu tư, tăng 12 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8.257 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ và có 14 dự án đăng ký tăng vốn (tăng 7 dự án), với số vốn tăng thêm hơn 3.565 tỷ đồng, tăng gần 97%.

Tổng vốn đầu tư Tiền Giang thu hút được trong năm 2018 ước đạt hơn 11.822 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, Tiền Giang thu hút được 18 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.579 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư tăng vốn, với vốn đăng ký tăng thêm 1.051 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn thu hút 10 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký 6.678 tỷ đồng (gấp 4,4 lần so với cùng kỳ) và có 13 dự án đầu tư đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm 2.514 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong thu hút đầu tư là Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm thu hút đến 12 dự án đầu tư, với vốn đầu tư hơn 1.212 tỷ đồng; Vùng kinh tế - đô thị phía Tây cũng thu hút 12 dự án, với vốn đầu tư đăng ký hơn 6.891 tỷ đồng và Vùng kinh tế - đô thị phía Đông thu hút 4 dự án đầu tư, với vốn đăng ký gần 154 tỷ đồng…
Như vậy, với KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, trong những năm tới Tiền Giang sẽ mở ra nhiều dư địa phát triển, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư.

Tiền Giang đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP - giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016-2020 của tỉnh tăng 8,5-9,5%/năm (cao hơn giai đoạn trước 1,0-2,0%). Đến năm 2020, tổng GRDP đạt khoảng 119-124 nghìn tỷ đồng. Dự kiến tổng thu nội địa của tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng và đến năm 2021 khoảng 12.500 tỷ đồng, có thể tự cân đối ngân sách.

“Tiền Giang sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để thực hiện các cam kết xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, ổn định lâu dài, phát triển thịnh vượng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu trong và ngoài nước.”- ông Lê Văn Hưởng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang có thêm quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO