UBND tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025, 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025, 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.
Cuối tháng 6/2021, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong giải quyết TTHC cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành văn bản tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đến khi có thông báo mới để phòng chống dịch.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các TTHC có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ: https://dichvucong.tiengiang.gov.vn/) hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp qua dịch vụ Bưu chính công ích.
Đặc biệt, UBND tỉnh giao UBND huyện, thành, thị ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
Kết quả, dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tháng 7 và tháng 8 tỷ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn đều đạt 96,1%, riêng những ngày đầu tháng 9 đạt tới 98,2%, đưa tỷ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn từ đầu năm đến nay đạt 97,3%.
Trên thực tế, sau khi thực hiện cơ chế "một cửa", đặc biệt với việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thái độ phục vụ của công chức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC đã thay đổi rất nhiều. Quan trọng hơn, người dân không phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi như trước, thời gian cung ứng các dịch vụ hành chính được niêm yết công khai, quy định rõ ràng, giảm được chi phí. Người dân dần hài lòng với việc áp dụng cơ chế "một cửa" trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của tổ chức, công dân tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc về tổ chức, nhân sự, thẩm quyền và hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại bộ phận "một cửa". Đặc biệt, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 155KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC" của Chính phủ.
Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tập trung vào các nhiệm vụ như: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết, triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại Bộ phận “một cửa” các cấp. Mục tiêu thực hiện và hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% tuần tự đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử trong năm 2021.
Về lâu dài, Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2023 - 2025, tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100%. Phấn đấu 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó). Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và tái sử dụng.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ làm thay đổi căn bản cách thức giải quyết cũng như theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả giải quyết TTHC, đồng thời góp phần cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tăng năng suất lao động, giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC.
Có thể bạn quan tâm