Dù mới hoạt động trong thời gian ngắn, Trung tâm Phục vụ hành chính công Tiền Giang tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang: Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm tiếp nhận 306.958 hồ sơ TTHC; trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 21.683 hồ sơ (chiếm 7,01%). Kết quả đã giải quyết 283.747 hồ sơ, trong đó đúng hạn là 282.766 hồ sơ. Hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận tại Trung tâm đều được số hóa lên hệ thống một cửa của tỉnh.
Trung tâm thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31-12-2019 được xem là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Tiền Giang. Trung tâm là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả của hơn 1.490 TTHC như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp; quyết định chủ trương đầu tư; cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp... Đồng thời, đây cũng là địa điểm cung cấp thông tin và giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết các TTHC.
Việc vận chuyển hồ sơ từ Trung tâm về đơn vị giải quyết đảm bảo an toàn, đúng quy định. Hằng ngày, nhân viên Bưu điện đến Trung tâm nhận và trả hồ sơ 2 lượt/ngày… Bên cạnh đó, Trung tâm có trang thiết bị đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Kết quả đánh giá được tích hợp trên phần mềm một cửa điện tử và hầu hết các ý kiến đánh giá đều chọn mục “hài lòng”. Đồng thời, qua lấy ý kiến trực tiếp của người dân đến thực hiện TTHC tại Trung tâm đều hài lòng về thái độ của công chức, viên chức, về cơ sở vật chất.
Bà Lê Thị Kim Pha - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang cho biết, Trung tâm với 16 quầy phục vụ, các quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến được giới thiệu rõ ràng, chi tiết. Việc giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo cơ chế một cửa. Một cửa liên thông được quản lý một cách tập trung thống nhất. Trung tâm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhiều tổ chức, cá nhân. Các công chức, viên chức của đơn vị đều thực hiện tốt nhiệm vụ, lấy sự hài lòng của đại diện các tổ chức hoặc cá nhân đến làm các thủ tục hành chính là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của bản thân viên chức, công chức và của cơ quan có thẩm quyền.
Một trong những mục tiêu cơ bản của xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 chính là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, công dân, giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian khi đến cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, để hoạt động của Trung tâm ngày càng phát huy hiệu quả, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các sở, ngành sẽ phải thực hiện tốt quy chế làm việc tại Trung tâm từ biên chế tổ chức đến cơ chế hoạt động. Các sở, ngành sẽ phân công luân phiên cán bộ làm việc tại Trung tâm và tập huấn cho cán bộ làm việc tại Trung tâm; cán bộ tiếp dân phải trực suốt tại Trung tâm, không được chểnh mảng trước dân. Chấn chỉnh ngay thái độ chưa chuẩn mực của cán bộ đối với dân. Đồng thời, các đơn vị cần phối hợp giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan liên quan phối hợp phát triển Trung tâm ngày càng hoàn thiện, hiện đại hơn; đẩy mạnh tư vấn, truyền thông về dịch vụ hành chính công trực tuyến để người dân tiếp cận dịch vụ trên Trung tâm nhiều hơn nữa...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Trung tâm Phục vụ hành chính công là bước đầu của việc triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng lại khu các cơ quan hành chính của tỉnh theo hướng hiện đại, tập trung; tạo thuận lợi trong quan hệ công tác giữa các cơ quan hành chính, vừa không để người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, nhiều cửa khi thực hiện các TTHC hoặc sử dụng các dịch vụ công.
“Để tiến tới hoàn chỉnh công tác tiếp công dân, UBND tỉnh định hướng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trụ sở tiếp công dân ở cấp huyện; đồng thời, tiến tới xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện. Khi đó, cấp huyện sẽ có trụ sở tiếp công dân và trung tâm hành chính công để có được nền hành chính công hoàn chỉnh hơn và tiếp tục nâng chất”- ông Lê Văn Hưởng chia sẻ.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng chất hoạt động của trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để quản lý, chuyển tiếp hiệu quả các thông tin vào hệ thống, qua đó việc giải quyết các thủ tục hành chính được thuận tiện hơn nữa.
Bà Lê Thị Kim Pha
PGĐ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang
Có thể bạn quan tâm