Tiền Giang gọi đầu tư 59 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22 nghìn tỷ đồng

Lê Trang - Việt Nga 09/09/2022 11:00

Ngày 09/9/2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Danh mục dự án mời gọi đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2022.

>>>Tiền Giang đón “sóng” đầu tư

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang mời gọi đầu tư vào 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng vào các lĩnh vực như: đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư; thương mại dịch vụ; du lịch; công nghiệp; nông nghiệp; y tế; giáo dục; thể dục thể thao…

Đồng hành thực chất với doanh nghiệp

Theo định hướng quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang với vai trò là cửa ngõ của vùng Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1A, QL 30, QL50, QL 60, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương – Mỹ Thuận, Tiền Giang có điều kiện phát triển về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng; đồng thời, tăng cường mời gọi đầu các chức năng về đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước.

Hội nghị thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hội nghị thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với quy mô dân số gần 1,8 triệu người, Tiền Giang vừa là thị trường khá lớn so với vùng, vừa là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi hơn 1,05 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 51,5%. Hiện nay tỉnh có trên 6.500 doanh nghiệp và hàng năm thành lập mới thêm 600-700 doanh nghiệp, số doanh nghiệp này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Hội nghị.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, các chỉ số kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2%; xuất khẩu tăng 28,4%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5%; lượng khách du lịch tăng 78%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 70%, vốn đầu tư đăng ký mới gấp 4,76 lần so với cùng kỳ…

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; thương mại, dịch vụ và du lịch…Tiền Giang sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu để đầu tư tại Tiền Giang.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 19.421 tỷ đồng.

“Tôi xin chúc mừng các nhà đầu tư và mong muốn các nhà đầu tư sớm tổ chức triển khai dự án, đảm bảo tiến độ theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra để các dự án sớm được đưa vào khai thác, vận hành, vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.”- ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Tiền Giang – điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư

Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh hơn, phù hợp với thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; thay đổi từ tư duy, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư đến chính sách thu hút…nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

>>>Tiền Giang: Phục hồi ngành công nghiệp “không khói”

>>>Tiền Giang tạo “sức bật” cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.

Để tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: UBND tỉnh sẽ tập trung sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước... đối với các dự án giao thông quan trọng của quốc gia trên địa bàn như đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, nâng cấp kênh Chợ Gạo, đầu tư cầu Rạch Miễu 2…; Tiền Giang sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, tiếp tục liên kết với các Viện, Trường, các tỉnh trong vùng nhằm tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động...

Ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho

Ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; xây dựng quy trình liên thông đối với thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư từ chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu, chấp thuận nhà đầu tư), chủ trương nghiên cứu thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường… theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện.

Tỉnh cũng sẽ xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; giáo dục đạo đức công vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trong giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC phát biểu tại Hội nghị.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết: Tập đoàn đã quyết định đầu tư 2 nhà máy điện gió tại Tiền Giang (Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông và Tân Phú Đông 2) bởi tiềm năng lớn khi tọa lạc tại vị trí ven đường biển nơi sở hữu tốc độ gió bình quân năm tốt nhất Việt Nam, địa hình đáy biển bằng phẳng ven bờ. Các cảng biển lớn gần kề Cát Lái, Phú Mỹ thích hợp cho việc vận chuyển và lắp đặt các turbine gió siêu trường siêu trọng. Chủ tịch TCC nói: "Hai dự án sau khi đóng điện sẽ là luồng sinh khí mới, hỗ trợ thúc đẩy sự chuyển dịch và ứng dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh".

Ông Đặng Văn Thành khẳng định: TTC sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động sớm nhất, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát (chi nhánh của Tập đoàn Andros - Pháp) chia sẻ: Bắt đầu từ năm 2016 Tập đoàn Andros đã đầu tư và mua lại 2 nhà máy tại Tiền Giang và tiêu thụ hơn 20.000 tấn trái cây, xuất khẩu ra thị trường trên 8000 tấn thành phẩm trái cây sang thị trường Châu Âu, giải quyết việc làm cho từ 800 - 1000 công nhân. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các cấp lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, nhất là trong giai đoạn COVID- 19, giúp doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch.

Chính vì vậy nhà máy không phải đóng cửa lâu, vẫn đạt được 95% kế hoạch kinh doanh và hiện nay tiếp tục phát triển. Trong thời gian tới, Công ty cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh để xuất khẩu trái cây ra thế giới, hợp tác xây dựng phối hợp, đặc biệt là với địa phương nơi nhà máy đang hoạt động để tạo việc làm cho 1500 công nhân trong tương lai.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ ngành TW, sự tham gia tìm hiểu và đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư cùng cộng đồng doanh nghiệp, Tiền Giang đã, đang và sẽ là điểm đến lý tưởng để đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách.

Có thể bạn quan tâm

  • Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tiền Giang

    Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tiền Giang

    02:31, 16/08/2022

  • Chuyển đổi số toàn diện ở Tiền Giang

    Chuyển đổi số toàn diện ở Tiền Giang

    20:13, 19/08/2022

  • Tiền Giang bứt phá PCI

    Tiền Giang bứt phá PCI

    11:13, 13/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang gọi đầu tư 59 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22 nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO