Với những nỗ lực vượt trội, năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng,, tăng 12 bậc và tăng 1,63 điểm so với năm 2020.
>>Tiền Giang khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh
Nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới UBND tỉnh Tiền Giang sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và linh hoạt hơn giữa các cơ quan trong giải quyết các vấn đề liên quan doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 695 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 5.078 tỷ đồng, tăng 3,7% so với kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2022 và tăng 81% về số doanh nghiệp (cùng kỳ giảm 34%), tăng 84% về vốn đăng ký so cùng kỳ (cùng kỳ giảm gần 12%).
Như vậy, tính đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh Tiền Giang có 6.570 doanh nghiệp, 66.660 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động.
Đây là kết quả của quá trình không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang.
>>Tiền Giang: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, trong thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp như: tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, lắng nghe các ý kiến nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp; tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ tiếp xúc với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Giang; Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An; tổ chức Hội nghị giới thiệu danh mục đầu tư năm 2022.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo); đồng thời tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp tại một số địa phương để phổ biến các chính sách, vận động hỗ trợ hộ kinh doanh có quy mô lớn để phát triển thành doanh nghiệp; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất...
Với những nỗ lực vượt trội, năm 2021, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Trung bình với 64,41 điểm; tăng 12 bậc và tăng 1,63 điểm so với năm 2020; có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, có 4 chỉ số thành phần giảm điểm.
>>Tiền Giang: Phục hồi “ngành công nghiệp không khói”
Nhận định về PCI của Tiền Giang, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Chính quyền tỉnh đã năng động và thực thi chính sách linh hoạt hơn; Hoạt động đối thoại doanh nghiệp có những kết quả tích cực; Thời gian (thực tế) giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh hơn nhiều địa phương khác; Bộ phận một cửa nhìn chung hỗ trợ khá tốt các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; Niềm tin vào các thiết chế pháp lý tại địa phương được củng cố; Môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh lành mạnh hơn nhiều địa phương khác trong vùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp tiếp cận đất đai vẫn còn khó khăn. Cần tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra xây dựng và phòng cháy, chữa cháy.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra khuyến nghị: Tỉnh cần tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo dựa trên các Nghị quyết của Chính phủ.
>>Tiền Giang: Cái Bè đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu kép”
Bên cạnh đó, Tiền Giang cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2021, đặc biệt các lĩnh vực cần cải thiện. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư. Địa phương cần tiếp tục quan tâm đến các giải pháp tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp. Đồng thời đầu tư công trình trọng điểm cho các huyện, nhất là về giao thông, khu - cụm công nghiệp.
Về thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, đề nghị cân nhắc giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh, thành phố trong việc làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn. Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ: chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của huyện thị, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Cần đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.
>>Tiền Giang đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp
“Thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, quận, huyện một cách thường xuyên, thực chất và khoa học. Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ "cho phép”, "cấp phép” sang tư duy "phục vụ”, chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp...”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng rà soát, nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, Ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục TTHC. Tham khảo các mô hình và thực tiễn tốt ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương.
Có thể bạn quan tâm