Hải Phòng: Tiền mất - đất không được sử dụng

VŨ LAN 25/08/2021 10:56

Được nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp đầu tư gần 10 tỷ đồng để kinh doanh bến bãi và nộp thuế đầy đủ, nhưng hơn 10 năm qua hễ doanh nghiệp hoạt động là… bị phạt.

p/Đầu tư 10 tỷ để có mặt bằng nhưng 10 năm qua không được hoạt động kinh doanh trên mảnh đất này, Công ty TNHH đầu tư Sông He lâm cảnh nợ nần

Đầu tư 10 tỷ để có mặt bằng nhưng 10 năm qua không được hoạt động kinh doanh trên mảnh đất này, Công ty TNHH đầu tư Sông He lâm cảnh nợ nần

Hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Sông He nhận chuyển nhượng diện tích 21.700m2 đất trang trại tổng hợp tại thửa số 5 tờ bản đồ số 2 thôn 2, xã Hải Thành, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng từ ông Phạm Viết Thuật để kinh doanh bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng.

Nguy cơ vỡ nợ vì đầu tư mặt bằng để... “ngắm”

Diện tích đất trên vốn để sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng năm 2007, xét thấy thực tế khi đầu tư sản xuất nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả không cao vì nguồn nước bị ô nhiễm từ nguồn nước thải của khu công nghiệp, ông Thuật đã xin được chuyển đổi trang trại nuôi trồng thuỷ sản này sang mục đích kinh doanh dịch vụ khác để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Nguyễn Thị Nâng, Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy khi đó đã đồng ý cho ông Thuật chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích trên sang mục đích kinh doanh khác.

Sau khi nhận chuyển nhượng, từ hiện trạng đã san lấp một phần, ông Thành đã tiến hành san lấp toàn bộ diện tích 21.700m2, thành lập Công ty TNHH đầu tư Sông He. Doanh nghiệp có trích đo hiện trạng là bãi tập kết vật liệu xây dựng (UBND phường, UBND quận xác nhận), doanh nghiệp cũng đã đóng thuế đầy đủ nhưng 10 năm nay không đơn vị nào đồng ý cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cứ động làm là đều bị lập biên bản thu giữ phương tiện. Đơn cử như việc, doanh nghiệp đã có mặt bằng, muốn đổ nguyên liệu là gạch vụn, gạch vỡ tận dụng được ở các công trình, UBND phường cũng ra cấm, ra giữ bảo doanh nghiệp không được đổ, không được làm, rồi lập biên bản.

Chính quyền đã cấp đất, đã ký trích đo, đã thu thuế, đã chấp nhận để  doanh nghiệp san lấp mặt bằng nhưng doanh nghiệp lại không có quyền hoạt động kinh doanh trên mảnh đất đó là điều rất vô lý

“Doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các bước về pháp lý nhưng không được ủng hộ. Chính quyền đã cấp đất, đã ký trích đo, đã thu thuế, đã chấp nhận để san lấp thành mặt bằng nhưng doanh nghiệp không có quyền làm gì thì thật vô lý” – ông Thành bức xúc.

Vì có mặt bằng nhưng không được hoạt động, Công ty TNHH đầu tư Sông He lâm cảnh nợ nần. “Chúng tôi đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng đầm, san lấp mặt bằng…, chính thức đến thời điểm này việc đầu tư của doanh nghiệp gần như vỡ trận. Giả sử lãi suất ngân hàng là 0,1%, cả đảo nợ, cả chi phí không tên… thành 1%, gần 10 tỷ, mỗi tháng tiền lãi là gần 100 triệu đồng, mỗi năm tiền lãi cũng xấp xỉ 1 tỷ đồng mà mười mấy năm thì bao nhiêu tỷ đắp chiếu” – ông Thành phân tích.

Chính quyền “đẩy bóng” trách nhiệm

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho biết, diện tích của ông Thành nhận chuyển nhượng được hình thành từ những năm 80 (thời huyện Kiến Thụy). Đó là thời điểm, huyện Kiến Thụy cho phép, thậm chí khuyến khích người dân quai đê, lấn biển để nuôi trồng thuỷ sản tạo vùng kinh tế mới, thành lập HTX. Khi HTX giải thể, các thành viên của HTX được chia dựa vào sự đóng góp. Sau đó là mua đi, bán lại, chuyển nhượng cho nhau, san lấp để kinh doanh.

“Năm 2015-2016, quận Dương Kinh có giao cho phòng Tài chính, phòng TNMT quận thống nhất thu tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp. Phòng TNMT đã tham mưu, có những hộ phải nộp tới tiền tỷ/năm tiền sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề, tại sao quận cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất nhưng không thực hiện trách nhiệm của nhà nước. Đó là phải bảo hộ cho việc đầu tư của doanh nghiệp, đó là tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư. Tiền sử dụng đất thì thu của doanh nghiệp nhưng quyền lợi đi đôi với trách nhiệm thì lại hạn chế, đặc biệt là thủ tục khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc” – ông Hưng chia sẻ.

Được biết, doanh nghiệp đã nhiều lần đề nghị tới UBND phường Hải Thành, UBND quận Dương Kinh nhưng nhiều năm nay sự việc vẫn không được giải quyết. Phường thì trả lời là vướng rất nhiều; đê điều thì cấm xe trọng tải lớn, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gia cố đường, doanh nghiệp phải chờ. Doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp phép bãi tập kết vật liệu, thậm chí đề nghị bỏ tiền ra tự làm đường vào bãi cũng phải chờ.

Thậm chí, ông Thành cho biết, bãi của doanh nghiệp nằm sau sông Hoà Bình. Cuối sông Hoà Bình có kho bãi của Công ty Hải Thành. Từ kho bãi Hải Thành đến bãi của doanh nghiệp chỉ có hơn 200m, doanh nghiệp đã đề nghị tự bỏ tiền ra làm đoạn đường nối vào đường của kho bãi Hải Thành vừa để hỗ trợ đê, vừa giải phóng doanh nghiệp nhưng cứ ông nọ đùn cho ông kia, không ông nào dám đồng ý. “Giờ động vào đâu cũng vướng, doanh nghiệp chỉ có đường “chết” – ông Thành ngán ngẩm.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Dự án đường Đông Khê 2 liệu có được giải cứu?

    Hải Phòng: Dự án đường Đông Khê 2 liệu có được giải cứu?

    05:00, 16/08/2021

  • Hải Phòng: Cấp phép cho doanh nghiệp khai thác gần di tích?

    Hải Phòng: Cấp phép cho doanh nghiệp khai thác gần di tích?

    11:10, 12/08/2021

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp khai thác đá, người dân “khổ trăm bề”

    Hải Phòng: Doanh nghiệp khai thác đá, người dân “khổ trăm bề”

    13:00, 05/08/2021

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp phạm luật vì không có quy hoạch bến bãi

    Hải Phòng: Doanh nghiệp phạm luật vì không có quy hoạch bến bãi

    04:20, 05/08/2021

  • Ô nhiễm bãi rác tại Kiến Thụy (Hải Phòng): Chính quyền “họp kín” với người cung cấp thông tin

    Ô nhiễm bãi rác tại Kiến Thụy (Hải Phòng): Chính quyền “họp kín” với người cung cấp thông tin

    04:20, 02/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Tiền mất - đất không được sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO