Trong những giải Olympic đầy nhiệt huyết và sôi động, tiếp thị phục kích mà một chiến lược khéo léo và “xảo quyệt”, giúp các thương hiệu “lén lút” chiếm lấy sự chú ý mà không cần là nhà tài trợ chính.
>>Sàn đấu tiếp thị khổng lồ cho các thương hiệu toàn cầu
Chiến lược tiếp thị phục kích
Thế vận hội là một sự kiện toàn cầu lớn, đồng nghĩa với đây cũng là một “sân đấu” tiếp thị khổng lồ và quan trọng bậc nhất đối với các thương hiệu. Ban tổ chức cũng biết vậy và họ giữ độc quyền khai thác tiếp thị ở mọi thứ liên quan đến Thế vận hội. Chỉ những nhà tài trợ chính thức mới được quảng cáo, được sử dụng hình ảnh, nội dung liên quan tới Thế vận hội để làm tiếp thị.
Ở chiều ngược lại, các thương hiệu cũng phải chi đậm mới được thành nhà tài trợ cho Thế vận hội và số lượng nhà tài trợ cũng có hạn. Thành thử nhiều thương hiệu không được làm nhà tài trợ và không được quảng cáo ở Thế vận hội.
Thế nhưng các thương hiệu không “cam lòng bỏ qua” một cơ hội quảng cáo bằng vàng như này. Thế là chiến lược Tiếp thị phục kích ra đời.
Giải thích một cách đơn giản, tiếp thị phục kích là cách các công ty triển khai những chiến dịch quảng cáo trong các sự kiện thể thao, tạo được ấn tượng và khiến khán giả nghĩ rằng họ là nhà tài trợ chính thức, dù thực tế không phải.
Các cách triển khai là thường thấy là quảng bá thông điệp ở gần sự kiện hoặc hợp tác với các vận động viên để quảng cáo khéo sản phẩm. Tất cả nhằm cố gắng tận dụng mức độ nổi tiếng của sự kiện thể thao và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Các sự kiện thể thao trên toàn cầu từ trước đến nay đã chứng kiến rất nhiều chiêu tiếp thị phục kích từ các thương hiệu.
Kodak tại Olympic Los Angeles 1984
Mặc dù không phải nhà tài trợ chính thức của sự kiện, nhưng công ty nhiếp ảnh Kodak vẫn thu hút sự chú ý đáng kể với những hoạt động như đặt biển quảng cáo tại những vị trí chiến lược, bán các mặt hàng ăn theo và cung cấp phim chụp ảnh miễn phí cho người tham gia.
Điều này tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa thương hiệu Kodak và Olympic Los Angeles 1984, giúp họ tiếp cận được cơ sở khán giả lớn hơn. Bằng cách tận dụng chiến thuật tiếp thị phục kích, khai thác sự nổi tiếng và sự quan tâm của khán giả dành cho Olympic, họ đã thành công khẳng định bản thân là công ty hàng đầu trong ngành nhiếp ảnh.
Puma tại Olympic Atlanta 1996
Không chỉ thương hiệu nhỏ, mà cả những thương hiệu lớn cũng không ngại làm tiếp thị phục kích. Puma, cái tên hàng đầu trong lĩnh vực thời trang thể thao, là một ví dụ điển hình. Olympic Atlanta 1996 chứng kiến sức ảnh hưởng đáng kể của họ thông qua một chiến dịch phục kích tuyệt chiêu, đó là để các vận động viên sử dụng và quảng cáo sản phẩm của họ. Điều này giúp Puma tạo nên mối liên kết với các vận động viên nói riêng và sự kiện Olympic nói chung, từ đó nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu.
Chiến dịch tiếp thị phục kích của Puma minh họa cho sức mạnh của việc kết hợp với các vận động viên trong những sự kiện thể thao lớn. Với chiến dịch này, Puma đã khẳng định mình là cái tên hàng đầu trong ngành thể thao một cách hiệu quả và ấn tượng.
Li Ning tại Olympic Bắc Kinh 2008
Li Ning là thương hiệu thể thao Trung Quốc. Trong Olympic Bắc Kinh 2008, họ đã tạo được tiếng vang lớn, thách thức sự thống trị của những thương hiệu thời trang thể thao toàn cầu như Adidas và Nike bằng chiến lược tiếp thị phục kích của mình. Cụ thể, họ đã hợp tác với nhiều vận động viên để những vận động viên này sử dụng và quảng cáo sản phẩm của họ, bao gồm cả ngôi sao thể dục dụng cụ Li Xiaopeng cực kỳ nổi tiếng của đất nước tỷ dân. Mối liên kết với những vận động viên hàng đầu giúp Li Ning nhận về nhiều sự chú ý trong suốt giải đấu.
Ở đây, Li Ning đã rất khéo léo sử dụng “lợi thế sân nhà” của mình, khi họ biết nhắm vào lòng tự hào và lòng trung thành dân tộc. Kết hợp với những vận động viên nội địa, họ cho thấy mình đang hướng đến thị trường Trung Quốc, từ đó khẳng định vị trí chủ chốt trong Olympic Bắc Kinh năm ấy. Chiến dịch của Li Ning cũng là ví dụ cho thấy sự quan trọng của việc thấu hiểu văn hóa và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với từng khu vực khác nhau.
Mặc dù là một chiến lược hiệu quả và được nhiều ông lớn sử dụng, thế nhưng tiếp thị phục kích vẫn có những tranh cãi riêng, chủ yếu về quyền lợi của những nhà tài trợ chính, đối tượng bị “chiếm mất spotlight” bởi bên khác. Vậy nên các sự kiện, những nhà tổ chức và những đơn vị tài trợ chính thức đã tiến hành nhiều biện pháp chống lại tiếp thị phục kích, chẳng hạn tạo nên các quy định chặt chẽ hơn, tăng cường giám sát, thậm chí dùng hành động pháp lý.
Tuy nhiên, giống như bản chất không ngừng nghỉ của chiến thuật tiếp thị phục kích, các thương hiệu sẽ liên tục tìm ra những cách sáng tạo và lách luật mới để có thể đưa hình ảnh của mình đến với khán giả. Đó là quá trình không thể ngăn cản, vì sự sáng tạo của con người là vô hạn.
Ngày mai, Thế vận hội Paris 2024 sẽ khai mạc, chúng ta hãy xem thương hiệu nào sẽ “phục kích” ở kỳ Olympic này.
Có thể bạn quan tâm