Đây là con số được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với địa phương chiều 28/12.
Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, thể chế chính sách cho hoạt động cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính đã được cơ bản hoàn thiện. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 49 văn bản, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác này.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án, đơn giản hóa 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
14:00, 22/11/2018
18:12, 17/11/2018
16:15, 15/11/2018
Môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều cải thiện
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã thay đổi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; cắt giảm chế độ báo cáo, số lượng các cuộc họp và các loại giấy tờ không cần thiết.
Việc giải quyết thủ tục hành chính được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hoạt động của các trung tâm hành chính công các tỉnh, đến nay, đã thành lập được 39 trung tâm hành chính công ở các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, ông Dũng khẳng định các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận đầy đủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Năm 2018, đã có trên 14.900 phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận, trong đó có 2.464 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý và đã trả lời, đăng tải công khai được 2.024 phản ánh, kiến nghị, đạt 82,14%.
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, theo Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện, tăng 13 bậc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Việc triển khai Chính phủ điện tử, theo ông Dũng, đã lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan hành chính nhà nước, có 71/95 cơ quan triển khai thử nghiệm kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông văn bản quốc gia, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử; 93 bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành mã định danh của cơ quan mình.
Nhờ đó, chỉ số phát triển điện tử Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 quốc gia khu vực ASEAN. Mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2018.
Các bộ đã trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật
Với các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các bộ, cơ quan.
Năm 2017, các bộ, cơ quan đề xuất hoặc phê duyệt phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thì năm 2018 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khâu thực thi.
Cụ thể, về kiểm tra chuyên ngành, đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tương đương với 68,2%, vượt 36,5% so với Nghị quyết 19 đề ra và 30 thủ tục.
8/11 bộ đã báo cáo đánh giá tác động kinh tế về cắt giảm gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.
Việc đơn giản, cắt giảm 6.665 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục của 8 bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11,642 triệu ngày công, tương đương 5.417 nghìn tỷ đồng.
Về việc cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, ông Dũng cho biết, đến nay, các bộ đã trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, tương đương 54,5%. Việc cắt giảm các điều kinh doanh đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân trên 5,9 triệu ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm, chưa kể chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì, đáp ứng các điều kiện kinh doanh.