Bình luận

Tiêu chí đánh giá xếp loại phải phù hợp với doanh nghiệp đặc thù

Yến Nhung 26/08/2024 04:30

Góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp lĩnh vực điện lực đề xuất, cần làm rõ các tiêu chí đánh giá xếp loại cho các doanh nghiệp nhà nước đặc thù.

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật số 69/2014/QH13) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đầu tư vốn của Nhà nước vào sản xuất kinh doanh; quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới hội nhập cũng như quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước trong những năm vừa qua.

noidungphoihop7423 (1)
Do lĩnh vực điện lực có những đặc thù nhất định so với các doanh nghiệp nhà nước khác, nên nhiều doanh nghiệp điện lực cho rằng chính sách cần phải tính đến yếu tố này - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên sau 10 năm triển khai thực hiện, vấn đề quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi, nhiều nội dung của Luật bộc lộ điểm bất cập, hạn chế. Do đó, việc xây dựng dự án Luật thay thế cho Luật hiện hành là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, rất ý nghĩa và rất cấp thiết.

Theo đó, đa số đại diện các doanh nghiệp, xây dựng Dự thảo Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 (Dự thảo) là cần thiết để giúp các doanh nghiệp nhà nước có cơ chế để hoạt động thuận lợi hơn, tăng cường phân cấp phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị đại diện chủ sở hữu vốn.

Tuy nhiên, Dự thảo có một số điểm chưa thực sự phù hợp. Do lĩnh vực điện lực có những đặc thù nhất định so với các doanh nghiệp nhà nước khác, nên nhiều doanh nghiệp điện lực cho rằng chính sách cần phải tính đến yếu tố này.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cho biết, một trong những vấn đề doanh nghiệp băn khoăn, đó là theo Dự thảo, doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới trích Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Vậy trường hợp doanh nghiệp không có lãi, thì kinh phí để thuê kiểm toán độc lập báo cáo tài chính và thực hiện các vấn đề khác nữa sẽ như thế nào.

Vấn đề thứ hai, đó là Luật Đầu tư công quy định rất rõ tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp thuộc nhóm nào, thủ tục trình để xin phê duyệt của các nhóm ra sao… nhưng Dự thảo lại không đề cập đến tính chất của nhóm.

“Hiện, Tập đoàn EVN có 7 tổng công ty là 100% vốn từ Tập đoàn, trong khi các dự án truyền tải điện đều lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nên nếu thực hiện phê duyệt dự án đầu tư theo Dự thảo, thì sẽ gây khó khăn”, đại diện này nhấn mạnh

cungungdien.jpg
Các doanh nghiệp lĩnh vực điện lực đề xuất, cần làm rõ các tiêu chí đánh giá xếp loại cho các doanh nghiệp nhà nước đặc thù - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Loát, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hiện vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp, nhất là khi lĩnh vực điện lực có nhiều đặc thù.

Cụ thể, về xếp loại đánh giá doanh nghiệp, hiện chưa có chỉ tiêu chi tiết, nên việc xếp loại doanh nghiệp đang theo 4 tiêu chí tài chính như doanh thu, hệ số thanh toán, tỷ suất lợi nhuận… Nhưng với những doanh nghiệp ngành sản xuất đặc thù như EVN, Tập đoàn Dầu khí... vừa phải đảm bảo kinh doanh, vừa phải đáp ứng các nhiệm vụ kinh tế từ cơ quan quản lý thì cần bộ tiêu chí rõ ràng, vì chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể khiến ảnh hưởng đến xếp loại của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện cơ chế giá bán điện bình quân mà EVN đang thực hiện chưa đảm bảo bắt kịp giá thành sản xuất do phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cung ứng điện theo chỉ đạo của Nhà nước. Vì thế, trong năm 2022 và 2023, dù giá điện có sự điều chỉnh nhưng báo cáo tài chính của EVN vẫn ghi nhận thua lỗ, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 vừa phát hành cũng tiếp tục báo lỗ.

Căn cứ từ tình hình hoạt động kinh doanh thực tế, bà Đỗ Thị Loát đề xuất, trong Dự thảo cần có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế hay chi lương, thưởng… cho EVN.

“Cụ thể, về cơ chế tiền lương, Dự thảo xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Như vậy, các tiêu chí về lợi nhuận và năng suất tại EVN sẽ khó đáp ứng, nên kiến nghị cơ quan thẩm quyền cho EVN chính sách lương đặc thù như hiện đang áp dụng tại VNPT, Vietnam Airlines...”, đại diện này chia sẻ.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, liên quan đến các Điều 31 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn; Điều 35 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư; Điều 37 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn của doanh nghiệp; Điều 39 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục dự án đầu tư, đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đề nghị, ban soạn thảo quy định rõ công ty mẹ có được phép duyệt cho công ty con không trong khi dự án của công ty mẹ trình phải cấp trên, tránh vướng mắc như quy định tại các Điều 24, 10, 30 của Luật hiện hành.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư đang quy định tại Điều 35 Dự thảo, đề nghị làm rõ quy trình này áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp hay cả với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Trường hợp đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác thì cơ quan chủ sở hữu vốn là cơ quan nào. Đồng thời, đề nghị xem xét mức phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương sử dụng vốn đầu tư tại khoản 1, Điều 35 cho phù hợp, đồng bộ với các luật liên quan như Luật Đầu tư công, bởi hiện mức phân cấp như Dự thảo là thấp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiêu chí đánh giá xếp loại phải phù hợp với doanh nghiệp đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO